Ca phẫu thuật tách hai bé Diệu Nhi và Trúc Nhi hôm 15/7 "vô cùng phức tạp", theo nhận định của các chuyên gia y tế trực tiếp tham gia và cố vấn. Ngoài việc tách rời, phân chia và tái tạo cần chính xác tuyệt đối, thì yếu tố sạch - vô trùng phòng mổ được đặt lên hàng đầu. Phòng mổ sạch, bệnh nhân không nhiễm khuẩn, khả năng hồi phục cao hơn, và ngược lại.
Bác sĩ Tạ Thị Thúy Hằng, 42 tuổi, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, người chịu trách nhiệm chính chuẩn bị phòng mổ siêu sạch đặc biệt này, khi nhắc lại vẫn chưa hết bồi hồi. Chị cho biết, khi nhận nhiệm vụ từ bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện, toàn khoa đã dốc toàn lực chuẩn bị.
"Mặc dù trong hơn hai năm vận hành khu mổ, mọi quy trình chống nhiễm khuẩn được tuân thủ tuyệt đối, chưa từng sai sót. Nhưng đây là cuộc mổ dài, có hai bệnh nhi nặng, quy mô lớn gấp 8 lần bình thường, nên chúng tôi tự khắt khe hơn cả trước, trong và sau ca mổ", bác sĩ Hằng nói.
Phòng mổ siêu sạch số 11 và 12 có diện tích 36 m2, được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, các vật liệu tường, sàn nhà được nhập hoàn toàn từ nước ngoài, bề mặt láng mịn, tự kháng khuẩn, chống thấm. Nếu máu, dịch bệnh nhân dính vào tường, rơi xuống sàn không bị thấm hút, dễ dàng lau chùi.
Trước mổ, ngoài việc vệ sinh bề mặt, khử khuẩn, xông phòng, chiếu tia UV hàng ngày theo quy định, hai phòng được cấy kiểm tra vi sinh, không khí thường xuyên. Kết quả vi trùng bằng không, không khí siêu sạch, phòng được niêm phong từ ngày 13/7, chờ mổ.
Tối 14/7, chỉ vài giờ trước khi ca đại phẫu diễn ra, bác sĩ Hằng quyết định cấy vi sinh, không khí thêm một lần nữa, để chắc chắn không có sơ suất.
Đặc biệt, hệ thống khí sạch trung tâm và dòng chảy tầng chuyên dụng, với áp lực dương được lắp đặt, luôn đảm bảo điều kiện phòng vô khuẩn. Luồng không khí này đã được lọc qua màng lọc sơ cấp, hai lần tiệt trùng bằng tia UV, lọc lần cuối qua màng lọc Hepa. Nhiệt độ không khí luôn duy trì 20-22 độ C.
Không khí sạch mới được thổi thẳng xuống bàn mổ, nơi bệnh nhân đang nằm. Luồng khí luân chuyển liên tục, khí thải được hút triệt để qua hệ thống màng lọc ở cả 4 góc phòng. Bốn góc này thiết kế dạng vát, để không khí bẩn không bị quẩn lẫn vào góc, thiết bị.
Nếu cửa phòng mổ mở ra khi bên trong đang phẫu thuật, áp lực dương trong phòng sẽ đẩy ngược không khí tiệt trùng ra ngoài, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào.
Trong thời gian phẫu thuật, một nữ điều dưỡng của khoa đóng vai trò điều phối, trực ở cửa phòng trong suốt ca mổ. Chị kiểm soát tất cả mọi người ra vào phòng, chỉ ê kip đến lượt phẫu thuật, đủ tiêu chuẩn mới được vào. Ai cũng bắt buộc thực hiện thay đồ cá nhân bằng trang phục riêng của khu phẫu thuật đã được hấp, tiệt trùng; phải đội nón (mũ) mask chuyên dụng trùm kín tóc, đeo khẩu trang kín mũi, miệng; đôi tay được rửa kỹ bằng dung dịch diệt khuẩn dưới dòng nước vô trùng nhiều lần. Vòi nước rửa tay đặt ngay trước cửa phòng mổ, điều dưỡng chứng kiến. Việc thay dép mới diễn ra hai lần, khi vào khu thay đồ, và trước khi bước đến cửa phòng mổ, hai khu này cách nhau khoảng 10 m.
Phòng mổ tách Diệu Nhi và Trúc Nhi hội tụ cả hệ thống Telemedicine (quản lý âm thanh, hình ảnh và truyền thông), hệ thống PACS (lưu trữ và trình chiếu tất cả hình ảnh X-quang, CT, MRI, siêu âm của bệnh nhân) cùng hàng loạt camera quan sát.
Vì thế, cuộc mổ khép kín, ê kip không phải di chuyển nhiều, hay ra ngoài để lấy thêm dụng cụ, hội chẩn.
Ngoài ra, xung quanh bàn mổ, có một ô kẻ xanh, ai đang trực tiếp thao tác trên bệnh nhân thì được đứng ở đó. Việc này nhằm phân loại khu vực hoạt động, đảm bảo điều kiện vô trùng, an toàn cho bệnh nhi.
Giữa cuộc mổ, khi tách dính thành công, các điều dưỡng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức nhanh chóng đưa Trúc Nhi lên bàn mổ khác, che vết thương bằng vải kháng khuẩn, vận chuyển sang phòng bên cạnh. Do đã tập luyện trước, thời gian vận chuyển và ổn định bệnh nhi chưa đầy 5 phút, rất an toàn.
Sau phẫu thuật, quy trình vệ sinh phòng mổ được kích hoạt lập tức và tuân thủ nghiêm ngặt. "Không được sai sót hay bỏ qua bất kỳ một nguyên tắc nào làm sạch nào. Chỉ cần một yếu tố không đạt, phòng mổ sẽ không được sử dụng", bác sĩ Hằng khẳng định.
Khi cuộc mổ kết thúc, nhóm nhân viên vệ sinh gom, phân loại rác thải đi đúng theo chiều bẩn đã quy định, lau sàn, tường. Riêng các điều dưỡng, ai phụ trách vận hành máy móc, thiết bị nào, tự khử trùng thiết bị đó. Toàn bộ bề mặt sàn, tường, bàn mổ, đèn mổ, tay nắm cửa - tủ, công tắc tắt, bật điện, điều khiển máy, bàn phím các thiết bị chuyên dụng, bề mặt của máy và dụng cụ y tế... được lau kỹ càng từng chi tiết bằng dung dịch diệt khuẩn chuyên dụng.
Các dụng cụ khác được chuyển ra ngoài để vệ sinh riêng biệt. Sau đó, tiến hành xông phòng, chiếu tia UV, niêm phong. Cửa phòng đóng kín khi đang vệ sinh.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy, Điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, người trực tiếp chuẩn bị và kiểm tra phòng mổ hai bé, chia sẻ: "Giữ được phòng mổ vô khuẩn không hề dễ dàng và rất áp lực. Chúng tôi phải vô cùng tỉ mỉ, cẩn trọng. Đó là trách nhiệm và cả niềm tự hào".
Thư Anh