Chủ nhật, 15/9/2024
Thứ hai, 21/9/2020, 11:34 (GMT+7)

Phòng lab 8,5 tỷ đồng cho sinh viên viễn thông

Phòng lab tại học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mô phỏng hệ thống mạng 4G hoàn chỉnh để sinh viên có thể nghiên cứu công nghệ mới ngay tại trường học.

Phòng nghiên cứu tại tầng 8, học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội là phòng lab 4G LTE hoàn chỉnh đầu tiên ở một đại học tại Việt Nam. Phòng có ba khu vực chính: phòng học với hệ thống máy tính; khu vực mạng chứa thiết bị truyền dẫn cùng trạm thu phát sóng; và khu vực chứa mạng lõi. Tổng trị giá của phòng lab này khoảng 8,5 tỷ đồng.

Các thành phần quan trọng của hệ thống là khu vực mạng lõi, chứa tủ nguồn DC; hệ thống tính cước thời gian thực OCS và bộ phận Core 4G - gồm các hệ thống nhỏ là mạng lõi chuyển mạch EPC, mạng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng 4G IMS. Các hệ thống này được đánh giá là tiên tiến ngang các sản phẩm mà nhà mạng Việt Nam sử dụng trong thương mại.

Hệ thống thiết bị truyền dẫn và trạm thu phát sóng (eNodeB), có tác dụng thu phát sóng vô tuyến tới thiết bị di động, đồng thời trao đổi dữ liệu với các thiết bị trong mạng lõi. Sự kết hợp này biến phòng lab trở thành một mạng 4G LTE hoàn chỉnh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá phòng thí nghiệm có thể tạo ra các thay đổi căn bản về chất trong giáo dục đại học. Sinh viên ngành viễn thông giờ đây có thể thiết lập một mạng lưới viễn thông ngay từ khi đi học, thay vì chỉ được tiếp xúc khi đi làm.

Trong buổi thử nghiệm, một sinh viên năm thứ 4 có thể thực hiện thao tác thay đổi số điện thoại trong vài phút bằng phần mềm trên máy tính. Sinh viên trong quá trình học tập tại phòng lab được khuyến khích phát hiện lỗi của hệ thống hoặc sáng tạo thêm các ứng dụng mới.

Các tính năng chính của phòng lab gồm: Mô phỏng cuộc gọi End - to - End, mô phỏng việc truy cập website, tính cước dịch vụ thoại và data, thực hiện thủ tục Handover, hỗ trợ các giao diện mạng LTE: S1, S6a, S5/S8, S10, Gx, Gy,...

Trên thiết bị đầu cuối là smartphone, thử nghiệm đo tốc độ mạng di động từ kết nối 4G do phòng lab tạo ra đạt 121 Mb/giây. Kết nối cuộc gọi, truy cập Internet hoạt động như đang kết nối với một nhà mạng thực sự.

Ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Viettel - cho biết hệ thống liên tục được cập nhật. Các tính năng mà nhà mạng này triển khai sẽ được đưa vào phòng lab với độ trễ tối đa một năm. Sinh viên sau khi thực hành với mạng 4G, hoàn toàn có thể ứng dụng kỹ năng lên hệ thống mạng 5G.

Lưu Quý