Ngày 18/7, Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế Hà Nội về cái chết của bệnh nhân Phong tại phòng khám Maria. Theo tường trình của Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư An Thịnh, kíp trực tối 14/7 ở phòng khám Maria có 10 người gồm lễ tân, 4 y tá và 2 phiên dịch viên người Việt cùng 3 bác sĩ Trung Quốc trực tiếp điều trị là: Châu Kiện Kiều (Zhou Ji Anjao), Đặng Cẩm Chi (Deng Qin Zhi) và Trương Lệnh Công (Zhang Ling Gong).
Khoảng 19h30 tối 14/7, chị Phong đến phòng khám Maria. Sau khi khám và soi tử cung, bác sĩ Châu Kiện Kiều chẩn đoán bệnh nhân bị viêm lộ tuyến tử cung độ 3 và tư vấn điều trị bằng kỹ thuật Laze bán dẫn (dao Leep). Bệnh nhân được đưa lên tầng 6 để bác sĩ Đặng Cẩm Chi làm thủ thuật, đồng thời chỉ định truyền một chai Gluco 5% 100 ml. Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân có hiện tượng ngạt mũi nên được bác sĩ chỉ định tiêm 2 ống Dexamethazone 4mg/1ml.
Tiếp đó, chị Phong được chuyển xuống tầng 5 giao cho y tế theo dõi, chăm sóc truyền chai Gluco và một chai Negatidazol 0,4g/100ml. Lúc mới xuống tầng 5, bệnh nhân hơi mệt nhưng vẫn nói chuyện bình thường, khoảng hơn 21h gọi điện thoại về cho gia đình.
Khi truyền đến chai Levofloxaxin (một loại kháng sinh), bệnh nhân mệt, phát ban ở tay, vai và có biểu hiện phản ứng thuốc. Y tá trực tiếp liên hệ với bác sĩ tiến hành cấp cứu, dừng truyền kháng sinh và thay bằng chai Gluco 5% 100 ml. Bệnh nhân có hiện tượng khó thở nên được kíp trực bóp bóng, ép ngực, tiêm 2 ống Dexamethazone 4mg/1ml trực tiếp vào tĩnh mạch, sau đó liên hệ với Cấp cứu 115. Sức khỏe bệnh nhân không tiến triển nên được duy trì bóp bóng và tiêm 2 ống Adrenaline. 20 phút sau, cấp cứu 115 đến nơi tiếp tục phối hợp cùng y bác sĩ phòng khám cấp cứu nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Phòng khám Maria bị đình chỉ hoạt động sau cái chết của bệnh nhân Phong. Ảnh: Nam Phương. |
Sở Y tế Hà Nội khẳng định "việc người Trung Quốc sử dụng kỹ thuật dao laze Leep điều trị cho chị Phong là trái pháp luật". Kỹ thuật dao laze được phép thực hiện tại Việt Nam, tuy nhiên phòng khám Maria không đăng ký sử dụng kỹ thuật này với Sở Y tế.
Những người Trung Quốc này cũng chưa được Sở Y tế cấp phép hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam, trong đó chỉ 2 người được cấp phép "giúp việc". Do đó phòng khám Maria sử dụng người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh khi chưa được Sở cho phép là hoàn toàn sai.
Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh trách nhiệm giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Hà Nội.
Trong khi đó, nhiều bác sĩ sản phụ khoa Việt Nam khẳng định, "bác sĩ Trung Quốc" sử dụng kỹ thuật dao laze Leep để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cho bệnh nhân Phong là không cần thiết.
Một bác sĩ sản phụ khoa lâu năm tại Hà Nội cho biết, dao Leep được chỉ định chủ yếu cho những trường hợp phải cắt sâu, nghi ngờ ung thư giai đoạn 1. Bình thường, chữa viêm lộ tuyến chỉ cần đốt điện, thậm chí là không cần thiết.
Bác sĩ này cũng cho rằng, điều trị kháng sinh chỉ áp dụng trong những trường hợp thực sự nguy hiểm, không nên lạm dụng truyền vì dễ dẫn đến sốc, gây tai nạn chết người. Những trường hợp rất nặng mới dùng kháng sinh và bằng cách uống, bệnh nhân vẫn đi làm bình thường. Bệnh nghiêm trọng đến mức phải nằm một chỗ mới tiêm, truyền kháng sinh.
Ngoài ra, theo ông, trong điều trị lộ tuyến tử cung, về mặt chuyên môn không gây mê bệnh nhân vì cổ tử cung gần như không có cảm giác.
“Với cả 3 nguy cơ trên, nếu bác sĩ điều trị không cẩn thận, bệnh nhân hoàn toàn có thể tử vong dù chỉ bị viêm lộ tuyến đơn giản”, vị bác sĩ này kết luận.
Theo Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng dao Leep, truyền dịch, kháng sinh, gây mê là sai. Dao Leep là một kỹ thuật cao, không cần thiết phải áp dụng trong điều trị viêm lộ tuyến, chỉ thực hiện khi có chỉ định của chuyên gia đầu ngành.
"Kỹ thuật này là khoét rỗng ống cổ tử cung. Phụ nữ chưa sinh rất ít khi bị viêm lộ tuyến, mà dù có bệnh cũng không phải ai cũng cần mổ, đốt điện…", giáo sư Vy nói.
Nam Phương