Chiều 31/10, con chó Poodle của bà Phạm Thị Tâm (75 tuổi) ở đường Cửu Long, quận Tân Bình đến lịch tái khám sau khi triệt sản được hai tuần.
Không có người nhà hỗ trợ đưa chú chó nặng bốn kg đến bệnh viện thú y, bà Tâm gọi dịch vụ chăm sóc thú cưng lưu động đến tận nhà đưa đến nơi khám. Sau cuộc gọi khoảng 40 phút, xe cùng bác sĩ thú y tới tận nhà.
"Tôi lớn tuổi rồi không tự đi xe được, nếu gọi xe khác chở đi khám thì cũng bất tiện vì phải ôm nó, lại không có hỗ trợ chăm sóc trên xe", bà nói.
Chú chó cưng của bà Tâm được khám nhanh như đo huyết áp, nhiệt độ rồi cho vào chuồng đưa lên xe. "Tình trạng sức khỏe chó vẫn ổn sau khi triệt sản nhưng chủ muốn cạo vôi răng, tiêm thuốc, tháo băng gạc vết thương nên phải đưa đến bệnh viện để xử lý", bác sĩ thú y kiêm tài xế cho biết.
Tuần trước, con chó mang thai của bà Phùng Thị Lê (50 tuổi) ở quận Tân Phú có dấu hiệu đau đẻ. Bà gọi gần chục chiếc taxi nhưng đều bị từ chối vì sợ mùi hôi ám vào xe, trong khi ẵm bằng xe máy sợ chó bị sảy thai. Con trai bà lên mạng tìm kiếm, phát hiện có dịch vụ cấp cứu thú cưng tận nhà. Sau cuộc gọi khoảng nửa tiếng, nhân viên thú y có mặt đưa chú chó đến bệnh viện.
"Chó nhà tôi mang thai bốn con, được đưa đến viện kịp thời nên cứu được mẹ và hai con. Chi phí gồm cả tiền thuốc gần 5 triệu đồng", bà Lê nói. Với giá cước khoảng 15.000 đồng cho một km di chuyển xe cấp cứu thú cưng, theo bà Lê là tương đương với gọi xe ôm công nghệ hoặc taxi.
Loại hình bà Lê sử dụng đuợc một bệnh viện thú y ở quận Tân Phú đưa vào hoạt động hơn hai tháng nay. Bác sĩ thú y Thái Thị Mỹ Hạnh, chủ nhân mô hình này cho biết, việc chăm sóc, cấp cứu thú cưng lưu động là mô hình khá phổ biến ở nước ngoài nhưng mới xuất hiện ở Việt Nam. Sau nhiều năm điều hành bệnh viện thú ý, bà Hạnh nhận thấy có những ca bệnh ở xa hoặc chủ vật nuôi lớn tuổi không thể bế thú đi cấp cứu khi chúng tại tai nạn, nhiễm bệnh dịch nên cần có xe tới tận nơi.
Mô hình bệnh viện, phòng khám lưu động ra đời là sự ra đời tất yếu trong bối cảnh người Việt ngày càng chuộng nuôi thú cưng, coi chúng như thành viên trong gia đình, được đặt tên và sinh hoạt chung với gia chủ.
Hiện bệnh viện có một xe cấp cứu vật nuôi được cải tiến từ loại xe 9 chỗ, bên trong trang bị đầy đủ thiết bị y tế như máy xét nghiệm, bình oxy, băng ca, thuốc điều trị. Xe lưu động chăm sóc thú cưng của bệnh viện hoạt động cả ngày đêm, luôn có tổng đài viên cùng bác sĩ trực, di chuyển khắp các quận huyện TP HCM.
Theo quy trình, tổng đài viên nhận cuộc gọi của khách hàng sẽ ghi nhận tình trạng bệnh sơ bộ của vật nuôi trước khi chuyển thông tin cho bác sĩ trực. Để điều trị tại nhà cho thú cưng yêu cầu, đội ngũ bác sĩ phải có tay nghề tốt và nắm vững đa khoa. Tùy theo tình trạng bệnh lý mà trên xe có từ một đến hai bác sĩ. Họ sẽ quyết định sẽ xử lý ca tại nhà hoặc chuyển ngay đến viện. Thông thường, thú nuôi sẽ được đo huyết áp, nhiệt độ, truyền nước, tiêm thuốc tạm thời trên xe trước khi chuyển đi.
Các trường hợp sử dụng dịch vụ này tùy theo mục đích của khách hàng. Chủ yếu là chó mèo bị tai nạn chấn thương, co giật, đau đẻ, xét nghiệm, tái khám định kỳ. Khách hàng cũng có thể gọi xe tới nhà để đưa chó mèo đi spa, tỉa lông, làm đẹp. Nhiều thú cưng được cứu chữa khi chuyển tới bệnh viện điều trị kịp thời nhờ dịch vụ này.
Hiện tại, bệnh viện có một xe cấp cứu lưu động, mỗi ngày tiếp nhận hơn chục ca điều trị, cao gấp đôi so với thời gian đầu hoạt động. "Sắp tới bệnh viện sẽ tăng thêm số xe và mở rộng dịch vụ sang các tỉnh lân cận", bà Hạnh cho biết.
Quỳnh Trần - Ngọc Ngân