Vào mùa đông, thời tiết miền Bắc thường khô và hanh, là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ phát triển. Bé nhà tôi cũng không phải ngoại lệ, da mặt bé đỏ ửng và sần sùi, ngứa ngáy. Tìm hiểu thì tôi được biết đó là bệnh lý ngoài da phổ biến ở trẻ và rất dễ tái phát ở những trẻ có làn da nhạy cảm, khi các chức năng bảo vệ da còn yếu ớt.
![phong-benh-viem-da-di-ung-o-tre](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2015/11/24/be-10-6558-1448357148.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aJqqB1dU3l55uK_zcl_cPQ)
Viêm da dị ứng thường xuất hiện ở các vùng da nhạy cảm, không được che chắn như da mặt như má, trán, ban đầu vết phát ban đỏ ửng lên, làm da trẻ bị khô, ngứa và đóng vẩy. Nếu cha mẹ không để ý, để bé gãi, cào xước sẽ chảy nước vàng, rất dễ bị tổn thương da và gây nhiễm trùng.
Bé lớn nhà tôi trước cũng bị viêm da dị ứng, có đi khám da liễu và được kê đơn thuốc bôi nhưng cứ đến mùa khô hanh lại bị. Từ kinh nghiệm nuôi bé lớn nên tôi đưa ra giải pháp phòng ngừa cho bé nhỏ luôn. Cứ đến mùa khô hanh là tôi lại chú ý chăm sóc da cho bé chu đáo hơn. Ngoài việc tắm rửa, vệ sinh da cho bé hàng ngày, tôi luôn ý thức làm ẩm các vùng da nhạy cảm của bé bằng sáp ong. Sáp ong có tác dụng duy trì đổ ẩm cho da bé và an toàn cho làn da non nớt của trẻ nhỏ.
Ngoài việc giữ ẩm cho da bé, tôi cũng chú ý đến việc cắt móng tay, mang bao tay cho bé khi cần thiết để tránh tổn thương da do gãi ngứa. Tôi cho bé mặc quần áo thấm hút mồ hôi, tránh những thức ăn dễ gây dị ứng trong thời gian bé có nguy cơ bị bệnh, hạn chế cho bé chơi ở những nơi có không khí ô nhiễm, không tiếp xúc với thú nuôi trong nhà…
Viêm da dị ứng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy bố mẹ cần chú ý đề phòng cho bé bằng cách chăm sóc da bé từ bên ngoài, để da bé luôn mịn màng như da em bé nhé.
Nguyễn Thị Thanh Lan