Ít người không biết đậu nành là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng bậc nhất trong nhóm cây họ đậu. |
Cây đậu nành có nguồn gốc ban đầu từ vùng Đông Á, phổ biến ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó được trồng nhiều ở châu Mỹ và Nga.
Ngày nay các nước dẫn đầu thế giới về canh tác đậu nành là Brazil, Mỹ, Argentina. Các nước tiêu thụ nhiều đậu nành nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và cộng đồng chung châu Âu. Từ cách đây 5.000 năm, các hoàng đế Trung Hoa đã sử dụng đậu nành như một loại thực phẩm và dược phẩm quý.
Hạt đậu nành khô chứa khoảng 40% chất đạm (protein), 20% chất béo (lipid), 35% chất bột đường (glucid). Đậu nành được coi là một nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh vì không chỉ có đủ các acid amin cơ bản mà còn chứa một lượng đáng kể các acid amin thiết yếu. Đây là loại protein mà chúng ta cần được cung cấp hàng ngày từ thực phẩm khi cơ thể không thể tự tổng hợp được. Giá trị sinh học của protein đậu nành cao ngang thịt và trứng.
Chất béo trong đậu nành chứa nhiều acid béo không no có một và nhiều nối đôi là nhóm chất béo có lợi cho sức khỏe. Các chất khoáng như calci, sắt, magie, phospho, kali, natritri, kẽm; các vitamine A, B1, B2, B9, D, E có trong hạt đậu nành khiến nó trở thành loại thực phẩm tự nhiên mà rất ít loại thực phẩm sánh kịp về giá trị dinh dưỡng.
Năng lượng trong 100 gr hạt đậu nành khoảng 446 Kcal. Đậu nành hoàn toàn có thể thay thế tốt cho các thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc động vật, không chỉ vì giá trị dinh dưỡng mà dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với người làm việc văn phòng và người cao tuổi.
Không chỉ là thực phẩm đơn thuần, đậu nành còn chứa nhiều thành phần có lợi giúp ngăn ngừa bệnh tật, giữ gìn sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Theo Thư viện y khoa Pubmed, đến nay có khoảng 1.700 công trình nghiên cứu về đậu nành. Các nghiên cứu đã chứng minh ngoài giá trị dinh dưỡng, đậu nành còn có khả năng giúp chúng ta phòng một số bệnh mạn tính không lây.
Cụ thể, đậu nành có khả năng chống oxy hóa, hạn chế tăng cholesterol và LDL- cholesterol, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thiếu máu cơ tim, ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Nó còn giảm ung thư vú, giảm nguy cơ ung thư đại tràng ở phụ nữ sau mãn kinh, giảm triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh của phụ nữ.
Đậu nành có hàm lượng phytic acid cao, đóng vai trò như chất chống oxy hóa tế bào, giảm phản ứng viêm nên giúp ngăn ngừa ung thư. Trong các phytochemical của đậu nành, Isoflavones được đánh giá rất cao. Isoflavon còn gọi là estrogen thực vật vì có có cấu trúc hóa học gần giống nội tiết tố sinh dục nữ estrogen. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng khẩu phần ăn giàu protein và isoflavones đậu nành sẽ giúp điều chỉnh và cân bằng nội tiết tố estrogen đặc biệt trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Sử dụng đậu nành còn là cách thức tốt nhất để không những ngăn ngừa béo phì mà còn giúp phụ nữ có vóc dáng cân đối nhờ tránh tích tụ mỡ ở vùng bụng. Genistein là isoflavone chống oxy hóa mạnh nhất giúp ức chế một số bước trong quá trình khởi phát và tạo thành mảng xơ vữa động mạch, đồng thời bảo vệ các tế bào bình thường khỏi bị hư hại bởi sự tấn công của môi trường, nhờ đó góp phần ngăn ngừa ung thư.
Do khả năng chống oxy hóa mạnh, đậu nành giúp ngăn ngừa các tổn thương ở tế bào do không khí ô nhiễm, ánh nắng mặt trời và quá trình lão hoá của cơ thể gây ra. Đó là lý do làn da của những người dùng nhiều sản phẩm từ đậu nành, thường trắng và hồng hào.
Các bậc nam nhi không nên lo ngại isoflavones có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh dục nam. Nghiên cứu của Sang-Ah Lee và cộng sự cho thấy việc bổ sung lượng isoflavone sử dụng hàng ngày là 36,2- 60 mg một ngày hoàn toàn không ảnh hưởng đến nồng độ testosterone, số lượng tinh trùng, tinh dịch, độ vận động của tinh trùng.
Ưu điểm của đậu nành là chế biến thành sữa rất đơn giản, chỉ cần ngâm đậu rồi xay nhuyễn hoặc dùng máy xay trực tiếp sau đó nấu với nước, cho vào ít lá dứa sẽ có được món sữa thơm ngon.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM