Trong số các chỉ số chính tại thị trường Mỹ, Standard & Poor 500 tăng mạnh nhất khi cộng thêm 1,97%, kết thúc phiên tại 1.209,18 điểm. Kế đó là Dow Jones, tăng 1,82%, đóng cửa tại 11.022,10 điểm. Chỉ số Nasdaq ngừng giao dịch tại 2.186,57 điểm, đi lên 1,43% so với phiên trước.
Những người đứng đầu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa,Quốc hội Mỹ gần như đã đi đến một thỏa thuận chung về việc cho phép Bộ Tài chính sử dụng 700 tỷ đôla mua lại các khoản nợ xấu liên quan tới cho vay cầm cố tại các ngân hàng. Nhờ đó giúp các ngân hàng có thể mở lại dịch vụ cho vay, giúp nới lỏng thị trường tiền tệ.
Theo quy định, một đạo luật sẽ chỉ được thông qua khi Hạ viện, và Thượng viện cùng chấp thuận và được Tổng thống ký ban hành.
Việc chứng khoán Mỹ hồi phục được ông Art Hogan, Nhà Chiến lược Thị trường tại Jefferies & Co nhận định là một phản ứng tích cực trước tin tốt sắp được công bố. Theo ông, các chỉ số chính sẽ chỉ có bước đột phá nếu đạo luật trên chính thức được công bố.
Tuy nhiên ông cho biết, ngay cả khi kế hoạch giải cứu thị trường tài chính được thực thi thì tin trên vẫn chỉ có tác dụng ngắn hạn. Lập luận này được dẫn chứng từ những lần hỗ trợ của Chính phủ trước đây cho Fannie Mae, Freddie Mac và AIG. Đà hưng phần trên phố Wall chỉ duy trì được một vài ngày.
Một khi "cuộc vui" trên phố Wall qua đi, giới chứng khoán sẽ phải quay lại với thực tế phũ phàng, biểu hiện ở kinh tế Mỹ và toàn cầu trì trệ, cùng với đó là lợi nhuận èo uột của các tập đoàn.
Chứng khoán châu Âu cũng có một phiên tăng nhờ thông tin Quốc hội Mỹ đã đồng ý về cơ bản với kế hoạch giải cứu khối tài chính. Chỉ số FTSE 100 của Anh và DAX của Đức cùng đi lên xấp xỉ 2%. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 2,73%.
Thị trường châu Á kết thúc giao dịch trước giờ mở cửa của chứng khoán Mỹ nên không được hỗ trợ bởi tin tốt. Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9%. Hàn thử biểu Hang Seng của chứng khoán Hong Kong xuống 0,15%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đi lên 3,64%.
Xuân Hòa (Theo CNN)