Chốt phiên giao dịch 7/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất gần 800 điểm, đóng cửa ở mức 32.817,38 điểm. S&P 500 giảm gần 3% xuống ngưỡng 4.200 điểm, giảm hơn 12% so với mức đóng cửa kỷ lục và rơi sâu hơn vào vùng điều chỉnh. Nasdaq Composite cũng mất 3,6%, chính thức nằm trong lãnh thổ "thị trường gấu" khi chỉ số này đã mất hơn 20% so với mức kỷ lục trước đó.
Khi xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giới đầu tư đang theo dõi các tác động kinh tế tiềm tàng từ việc gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.
"Vấn đề lạm phát kèm suy thoái đang nhanh chóng trở thành chủ đề được chú ý trong việc xây dựng các chiến lược đầu tư", Jim Paulsen, giám đốc chiến lược đầu tư của Leuthold Group cho biết. "Việc chuẩn bị cho tăng trưởng chậm hơn và lạm phát dai dẳng đang khiến các nhà đầu tư lo ngại và hành động".
Cuối tuần trước, giá dầu WTI của Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine leo thang. Dầu thô Brent có thời điểm tăng vọt lên gần 140 USD mỗi thùng - mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 - trước khi giảm về quanh ngưỡng 120 USD.
Diễn biến này khiến giá cổ phiếu năng lượng tăng vọt. Cổ phiếu của Baker Hughes có thêm 4,7%, Chevron tăng 2,1%, còn Exxon Mobil vượt 3,6% so với tham chiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm giảm giá mạnh nhất, với Citigroup mất 1,8%, U.S Bancorp giảm khoảng 3,9% do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại.
McDonald’s, Starbucks và Nike cũng lao dốc do lo ngại giá năng lượng cao sẽ tác động trực tiếp tới ví tiền của người tiêu dùng. Cùng với đà tăng của giá dầu, giá khí đốt cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, với mức trung bình là 4,06 USD mỗi gallon, theo AAA. Cổ phiếu các hãng hàng không, du lịch cùng giảm vì lý do tương tự.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ và các nước đồng minh đang xem xét áp lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này vào Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng cho biết đang "xem xét một biện pháp mạnh" hơn để cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.
"Thị trường chứng khoán đang vật lộn với cú sốc nguồn cung hàng hóa lớn, bao gồm cả giá dầu và lo ngại rằng điều này có thể biến thành cú sốc lạm phát kèm suy thoái thay vì chỉ là vấn đề lạm phát", Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết.
Các nhà dự báo đánh giá Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn với mức lạm phát cao hơn, nền kinh tế châu Âu sẽ gần chạm ngưỡng suy thoái, còn GDP của Nga sẽ sụt giảm hai con số trong bối cảnh xung đột địa chính trị.
Theo khảo sát của CNBC, GDP của Mỹ có thể tăng 3,2% trong năm nay, giảm 0,3% so với mức dự báo cách đây hơn một tháng. Trong khi đó, các chuyên gia hàng đầu từ Citigroup, UBS, Yardeni Research và Evercore ISI đều hạ thấp triển vọng chứng khoán trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Minh Sơn (theo CNBC)