Kết thúc ngày giao dịch hôm qua 26/9, chỉ số Dow Jones đi lên 1,07%, đóng cửa ở mức 11.140,26 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq kết thúc phiên tại 2.183,34 điểm, giảm nhẹ 0,15%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) tiến thêm 0,34%, hiện có giá trị 1.213,27 điểm.
Sau tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 2,18%, chỉ số Nasdaq và chỉ số S&P 500 mất lần lượt 3,98% và 3,34%.
Ngay sau diễn biến tích cực về việc Quốc hội Mỹ cơ bản đã đồng ý với kế hoạch dùng 700 tỷ đôla hỗ trợ thị trường tài chính, phố Wall đã rung chuyển bởi tin Ngân hàng Washington Mutual tuyên bố phá sản do khó khăn trong thanh khoản và tăng vốn. Chính phủ đang tiếp quản lại tập đoàn này. Sau ngày hôm qua, cổ phiếu của Washington Mutual mất tới 91% giá trị.
Chỉ trong 2 tuần ngắn ngủi, các tập đoàn Lehman Brothers, Merrill Lynch và bây giờ là Washington Mutual đều phá sản hoặc bị thâu tóm. Ảnh: topnews.in. |
Ngay khi thông tin trên được đưa ra, JP Morgan Chase đã tuyên bố sẽ mua lại Washington Mutual với giá 1,9 tỷ đôla.
Theo một số chuyên gia, Washington Mutual sụp đổ sẽ khiến những người đứng đầu nước Mỹ nhanh chóng ra quyết định giải cứu ngân hàng khỏi các khoản nợ xấu nếu không muốn những điều tồi tệ hơn tiếp tục xảy ra.
Tuy đã ủng hộ về cơ bản những chi tiết trong kế hoạch của Bộ Tài Chính và Cục Dự trữ Liên bang, Quốc hội Mỹ vẫn chưa chính thức phê chuẩn đạo luật trên. Cuộc họp vào tối qua giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hendry Paulson với những người đứng đầu Quốc hội vẫn chưa mang lại kết quả.
Tổng thống Bush, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hendry Paulson trước đó đều nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nhanh chóng giải cứu thị trường tài chính. Các ba vị lãnh đạo có quyền lực hàng đầu nước Mỹ đều cho rằng chỉ có hành động sớm mới ngăn ngừa khả năng sụp đổ dây chuyền của các định chế tài chính.
Một ngân hàng đang gặp vấn đề trong thanh khoản và tăng vốn khác là Wachovia đang ráo riết tìm đối tác để nhượng lại cổ phần. Một số ứng viên tiềm năng đã được tiết lộ như Citigroup, Banco Santander hay Wells Fargo.
Tập đoàn Berkshire Hathaway, của tỷ phú Warren Buffett dự định mua lại 5 tỷ đôla cổ phiếu ưu đãi của Goldman Sachs.
Một thông tin kinh tế đáng chú ý khác: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Mỹ sau quý II tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn 0,5% so với dự đoán của các nhà phân tích.
Dầu xuống thang khi giảm 1,13 đôla, hiện chỉ còn 106,89 đôla một thùng.
Nhìn lại tuần qua, những sự kiện đáng chú ý nhất đều xoay quanh nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại khối tài chính. Bên cạnh kế hoạch trị giá 700 tỷ đôla , Sở Giao dịch chứng khoán nước này còn ban hành điều luật cấm bán khống với hơn 800 cổ phiếu, nhằm ngăn cổ phiếu sụt giảm sâu hơn.
Chứng khoán châu Á phản ứng khá tiêu cực trước thông tin Quốc hội Mỹ cơ bản đồng ý với giải pháp giải cứu thị trường tài chính. Các chỉ số chính tại cả ba thị trường lớn là Nhật, Hong Kong, và Trung Quốc đồng loạt sụt giảm.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật mất 0,94% và hiện thấp hơn tuần trước 0,2% . Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 1,33%, từ đó giảm 2,84% sau tuần qua. Chứng khoán Trung Quốc mất điểm ít nhất khi chỉ số Shanghai Composite của nước này xuống 0,16% vào hôm qua nhưng tăng tới 10,5% sau năm ngày giao dịch liên tiếp.
Sau phiên hưng phấn trước đó nhờ thông tin tại Mỹ, chứng khoán châu Âu đã lại có một phiên giảm. Bên cạnh đó, việc bản thân các ngân hàng tại châu Âu cũng gặp vấn để về thanh khoản tiếp tục tác động không tốt đến giá cổ phiếu tại khu vực này.
Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,09%, sụt tới 4,2%, so với cuối tuần trước.
Chỉ số DAX của Đức mất 1,77%, hiện thấp hơn 3,7% so với cuối tuần trước.
Chỉ số CAC 40 của Pháp lùi lại 1,5% sau ngày giao dịch vừa qua và mất 2% so với tuần trước.
Xuân Hòa (Theo Bloomberg & CNN)