"Tôi hiểu tại sao chính quyền mới của chúng ta thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ cần có một giới hạn rõ ràng trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền", Phó tổng thống Leni Robredo nói trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Manila hôm nay.
Tuyên bố được bà Robredo đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân Philippines tỏ ra bức xúc với việc Tổng thống Rodrigo Duterte bị cho là đang hành xử quá "mềm mỏng" trước các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Tổng thống đã đưa rất nhiều tuyên bố khiến chúng tôi cảm thấy Philippines phải bằng lòng với những gì Trung Quốc muốn. Người dân Philippines sợ rằng một ngày nào đó chúng ta thức dậy, lãnh thổ của chúng ta có thể không còn là của chúng ta nữa".
Bà cho rằng Tổng thống Duterte đã không tận dụng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 để bảo vệ quyền lợi của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời hối thúc ông có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông.
Robredo, 54 tuổi, vừa là Phó tổng thống vừa là lãnh đạo phe đối lập Philippines. Bà xuất thân là một luật sư kinh tế, tham gia vào chính trường từ năm 2013, một năm sau khi chồng bà, Bộ trưởng Nội vụ Jesse Robredo, qua đời trong một tai nạn máy bay.
Theo quy định của Philippines, Tổng thống và Phó tổng thống được bầu riêng rẽ, dẫn đến tình huống hai lãnh đạo nhiều khi có quan điểm đối lập nhau. Duterte từng nhiều lần chỉ trích cấp phó của mình, trong khi bà Robredo cũng không che giấu tham vọng chạy đua tranh cử Tổng thống vào năm 2022.
Duterte dự kiến thăm Trung Quốc cuối tháng này để thảo luận về các vấn đề song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông khẳng định lý do đến Bắc Kinh vì Trung Quốc "đang trì hoãn bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và đó là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố".
Duterte cho hay trong chuyến thăm ông sẽ bàn về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như gây sức ép để Bắc Kinh không tiếp tục trì hoãn COC.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, Duterte công khai thể hiện quan điểm rời xa đồng minh truyền thống Mỹ, ngả về phía Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế. Ông từng gây tranh cãi khi cho rằng Trung Quốc "sở hữu Biển Đông" và tàu thuyền nước này được phép khai thác, đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Mai Lâm (Theo Bloomberg)