Theo Reuters, chuyến thăm của ông Biden là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ kể từ khi căng thẳng bùng phát ở Ukraine.
"Ông Biden muốn đến Kiev để gửi một thông điệp rất rõ ràng về sự ủng hộ của Mỹ với nền dân chủ, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", một quan chức cấp cao Mỹ cho hay trên máy bay chở phó tổng thống.
"Ông sẽ kêu gọi việc thực thi khẩn cấp thỏa thuận đã đạt được ở Geneva tuần trước, đồng thời làm rõ rằng Nga sẽ phải trả giá đắt hơn nếu họ lựa chọn hướng đi gây bất ổn thay vì mang tính xây dựng trong những ngày tới", quan chức trên nói thêm.
Nhà Trắng cho hay, trong chuyến thăm dài hai ngày, ông Biden sẽ có cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và các nghị sĩ nước này vào ngày mai. Hai bên sẽ tham vấn về những diễn biến mới nhất ở đông Ukraine. Phó tổng thống cũng sẽ công bố một gói hỗ trợ về năng lượng và kinh tế cho Kiev.
Chuyến thăm của ông Biden diễn ra trong bối cảnh những nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng ở miền đông Ukraine được thông qua hôm 16/4 ở Geneva giữa Washington, Moscow, Kiev và Liên minh châu Âu chưa đạt được tiến triển nào.
Lực lượng ly khai ủng hộ Nga vẫn không hạ súng và rời khỏi các tòa nhà chính quyền mà họ chiếm đông ở miền đông, trong khi Mỹ cảnh báo sẽ gia tăng trừng phạt với Nga nếu nước này không thi hành thỏa thuận.
Về phía mình, Moscow chỉ trích các cáo buộc rằng nước này đang kéo dài thời gian và đổ lỗi cho Kiev.
"Thỏa thuận Geneva không những không được thực thi, mà các bước đang được tiến hành, chủ yếu bởi những người nắm giữ chính quyền ở Kiev, còn vi phạm nghiêm trọng những điều khoản đã đạt được", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
Moscow cảnh báo sẽ không chấp nhận thêm các trừng phạt của Mỹ nếu thỏa thuận bị phá vỡ, đồng thời nhấn mạnh Nga đang có hàng nghìn binh sĩ ở sát biên giới Ukraine.
"Những nỗ lực cô lập Nga hoàn toàn không có tương lai vì việc loại bỏ Nga khỏi phần còn lại của thế giới là không thể", ông Lavrov tuyên bố.
Anh Ngọc