Tờ Wall Street Journal dẫn lời quan chức Nhà Trắng hôm qua cho biết, chuyến công du châu Á bắt đầu từ hôm 2/12 của Phó tổng thống Biden nhắm tới hai mục đích. Đó là tái khẳng định cam kết của Washington với các đồng minh quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ mối quan ngại của Mỹ trước việc Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Điểm đến đầu tiên của ông Biden là Nhật Bản. Ông sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe và Phó thủ tướng Taro Aso, với nội dung xoay quanh những căng thẳng mới đây tại biển Hoa Đông và quan hệ kinh tế thương mại song phương.
Phản ứng trước việc Trung Quốc thiết lập ADIZ, Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh và tuyên bố ủng hộ Tokyo nếu như xung đột khu vực nổ ra. Hôm 26/11, hai máy bay B-52 của Mỹ bay vào vùng trời khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông mà không thông báo cho Bắc Kinh.
Sau Nhật Bản, Phó tổng thống Biden sẽ đến Bắc Kinh hội đàm cùng Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Các quan chức Mỹ cũng cho hay, ông Biden dự kiến không đưa ra bất kỳ lời cảnh báo chính thức nào, mà thảo luận với Bắc Kinh về tác động tiêu cực của việc tích tụ căng thẳng quân sự cũng như tranh chấp lãnh thổ đối với phát triển kinh tế, thương mại.
Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao thứ hai giữa lãnh đạo hai nước, sau chuyến thăm Mỹ không chính thức hồi tháng 6 của ông Tập. Ông Biden được cho là có mối quan hệ cá nhân thân thiết với nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, sau chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2/2012 của ông Tập Cận Bình với tư cách phó chủ tịch nước.
Hàn Quốc là điểm đến cuối cùng trong chuyến đi của Biden. Ông tới Hàn Quốc đúng 60 năm sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đảo giữa Hàn Quốc với Nhật là trọng tâm cuộc hội đàm giữa Biden và Tổng thống Park Geun-hye.
Theo một quan chức cao cấp Mỹ, chuyến thăm châu Á lần này của Phó tổng thống Biden có ý nghĩa quan trọng, tái khẳng định sự hiện diện thường xuyên của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ tới thăm châu Á vào tháng 4/2014 để củng cố mối quan hệ với các nước trong khu vực, sau việc ông hoãn các chuyến thăm trong năm nay đã làm dấy lên câu hỏi về vai trò của Mỹ tại đây.
Đức Dương