Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 8/6, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng và phẫn nộ trước những hành động của Trung Quốc trên biển Đông. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, những năm qua, Đảng và nhà nước có nhiều chính sách, tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Tướng Trường kiến nghị Chính phủ: “Trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh dân sự hóa một số đảo lớn ở quần đảo Trường Sa. Đây là chiến lược lâu dài, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách đặc thù, để người dân có kế sinh nhai, ổn định sống trên đảo lâu dài”. Bên cạnh đó, đầu tư trung tâm dịch vụ nghề cá gắn với xây dựng ô tàu, cầu cảng vừa cung cấp hậu cần kỹ thuật cho ngư dân đánh bắt xa bờ, vừa là trung tâm phòng chống bão, xử lý sự cố trên biển.
Theo Phó tổng tham mưu trưởng, có ngư dân bám biển, dân sống lâu dài trên đảo, có hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư làm nòng cốt, "chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được thế trận quốc phòng an ninh, vũ trang nhân dân một cách vững chắc và huy động được sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
Bày tỏ quan điểm về tình hình biển Đông, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhận định, Trung Quốc đang gia tăng các hành động đơn phương gây nguy hại đến an toàn lãnh hải và hòa bình trên biển Đông.
“Hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc và nghiêm trọng hơn là việc mang vũ khí hạng nặng ra các bãi đá ngầm là đi xâm chiếm. Thế giới cần lên án hành động này và yêu cầu Trung Quốc phải có lòng tự trọng, biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền nước khác trong kỷ nguyên hiện đại”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn đặt vấn đề, nếu Trung Quốc nói các vùng biển đó là của họ, tại sao không dám giải quyết vấn đề tranh chấp tại cơ quan tài phán quốc tế? “Tôi tin rằng cả thế giới không thể đứng ngoài cuộc trước một Trung Quốc chỉ biết lợi cho mình mà không tôn trọng quyền, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”, ông Tuấn nói.
Phát biểu trước Quốc hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết thông tin, gần đây trên các diễn đàn quốc tế, ngày càng nhiều quốc gia lên tiếng bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc và ủng hộ giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Ủng hộ những giải pháp Nhà nước đang thực hiện, Thượng tọa cho rằng Việt Nam phải có thái độ, chính kiến rõ ràng. Tuy nhiên phải mềm dẻo khôn khéo, đấu tranh hòa bình. "Đây là cuộc đấu tranh lâu dài. Cần bình tĩnh, có trái tim nóng và cái đầu lạnh", Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho hay.
Báo cáo kết quả thảo luận tổ về kinh tế xã hội, đoàn thư ký kỳ họp cho hay, đối với vấn đề biển Đông, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, thương lượng ở các diễn đàn song phương và đa phương. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư thỏa đáng cho khu vực biển Đông, đặc biệt là nghiên cứu chương trình dân sự hóa Trường Sa, Hoàng Sa; có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân được đóng tàu sắt ra biển, làm chủ bờ biển; đề nghị Quốc hội cần thông tin đến tất cả nghị viện của các nước trên thế giới về vấn đề biển Đông... |
Võ Hải