Trong Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, ông Lê Minh Dũng có những phát biểu về những con số cụ thể mà ngành du lịch cần cải thiện để hút khách và vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
- Khởi đầu kinh doanh khách sạn vào 1997, sau đó chuyển sang ngành nông nghiệp, tại sao những năm trở lại BIM Group lại chọn lĩnh vực bất động sản du lịch để phát triển, thưa ông?
- Thực tế BIM luôn hướng phát triển những ngành kinh tế bền vững, không chỉ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn, mà còn có thể đóng góp một phần thúc đẩy kinh tế dựa trên những tiềm năng to lớn mà nước ta sở hữu.
Với thành công của Hạ Long Plaza từ 1997, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm quỹ đất tại những địa điểm giàu tiềm năng cho bất động sản du lịch. Nhưng để chuẩn bị đầu tư lĩnh vực mới, chúng tôi luôn nghiên cứu kỹ thị trường, địa phương nơi đầu tư để đưa ra kế hoạch và chiến lược rõ ràng để có một bắt đầu thuận lợi.
Trước khi tiến quân vào Phú Quốc, chúng tôi đã khánh thành đường Hoàng Quốc Việt - con đường huyết mạch mở ra thời kỳ mới cho toàn khu du lịch Bãi Cháy, khai trương Fraser Suites - tổ hợp căn hộ dịch vụ hạng sang tại Hà Nội. Nhờ chuẩn bị và thực hành liên tục các phương án, khi vào Phú Quốc, BIM Group là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ cho hòn đảo này.
Những năm gần đây, khi du lịch Việt Nam cất cánh với lượng khách du lịch - cả quốc tế và nội địa đều tăng cao, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, hàng không có những biến chuyển hết sức tích cực, BIM Group đã định hướng, chú trọng phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng để phục vụ nhà đầu tư và hàng triệu khách du lịch tiềm năng.
- Bước sang lĩnh vực mới, BIM Group gặp thách thức gì?
- Bất động sản du lịch chắc chắn là một trong số những ngành có nhiều thách thức. Bởi không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mà còn phải phục vụ hàng trăm ngàn đối tượng du khách khác nhau.
BIM đang phát triển các dòng bất động sản bao gồm tổ hợp chung cư, nhà liền kề, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng. Chúng tôi quyết định chọn làm việc với nhà quản lý, vận hành khách sạn chuyên nghiệp. BIM đã bắt tay cùng nhiều thương hiệu, đơn vị quản lý danh tiếng trên toàn thế giới. Chúng tôi đánh giá đây là hành động táo bạo nhưng đúng đắn, thể hiện bằng việc tạo niềm tin từ các nhà đầu tư, đồng thời đây cũng là cách mà chúng tôi định vị và nâng tầm du lịch nghỉ dưỡng hạng sang của Việt Nam lên một tầm cao mới
Hiện, chúng tôi đang hợp tác với nhiều tập đoàn quản lý hàng đầu trong ngành khách sạn, nghỉ dưỡng toàn cầu tại các thị trường Hạ Long, Phú Quốc, Hà Nội, Ninh Thuận và Lào phải kể đến như Tập đoàn Hyatt - Mỹ (dự án Park Hyatt Phu Quoc), InterContinental Hotels Group (IHG) – Vương quốc Anh với InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort, InterContinental Halong Bay, Regent Phu Quoc (Regent - thương hiệu cao cấp nhất của IHG), Crown Plaza Vientiane, Holiday Inn Lao. Với tập đoàn Wyndham, chúng tôi sắp cho ra mắt khu nghỉ dưỡng cao cấp Wyndham Grand Halong, hợp tác với tập đoàn Ascott Limited – Singapore với Citadines Marina Halong, tập đoàn Sailing Club Leisure Group với Sailing Club Villas Phu Quoc, tổ hợp vui chơi giải trí quốc tế Sailing Club Phu Quoc; Frasers Hospitality - Singapore với căn hộ dịch vụ khách sạn cao cấp Fraser Suites Hanoi...
- Trong quá trình hoạt động đầu tư du lịch của BIM Group, ông đánh giá trở ngại nào khiến du khách ít quay trở lại Việt Nam?
- Cá nhân tôi cho rằng trở ngại đầu tiên là visa. Hiện, nước ta có chính sách visa khá khó khăn, chưa linh hoạt, trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới đã tiến hành miễn thị thực và nới lỏng chính này khá nhiều. Tiếp theo có thể kể đến là sản phẩm du lịch của Việt Nam còn thực sự chưa phong phú; vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường và hạ tầng du lịch còn thiếu và chưa tốt. Tôi muốn nhấn mạnh vào mạng lưới giao thông, sân bay, cảng biển và hệ thống cơ sơ lưu trú. Trong đó, việc thiếu khách sạn, resort được vận hành chuyên nghiệp, tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế cũng làm ảnh hưởng tới lựa chọn của khách tới Việt Nam.
Nhận định những trở ngại này, trước khi đưa dịch vụ bất động sản du lịch vào hoạt động, chúng tôi đã tìm kiếm các đơn vị vận hành chuyên nghiệp quản lý loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Nhận dịch vụ tốt, chuyên nghiệp khiến du khách thoải mái và tận hưởng kỳ nghỉ tại Việt Nam hơn. Bên cạnh đó, BIM Group luôn cố gắng tạo sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ môi trường, tạo dựng nhiều khu vực cảnh quan xanh sạch, góp sức cho phát triển chung của du lịch Việt Nam.
- Với những điểm yếu như vậy, ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút vốn nước ngoài vào du lịch Việt?
- Là một quốc gia sở hữu quá nhiều ưu thế về du lịch trải nghiệm và du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch nói riêng nhưng hiện, trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngành du lịch mới chiếm 4%. Tôi cho rằng con số này hoàn toàn có thể tăng cao hơn trong tương lai.
Bởi toàn hệ thống kinh tế - xã hội đã và đang bắt tay để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 08, đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào GDP cả nước và thu hút 20 triệu du khách quốc tế vào năm 2020.
Theo khảo sát của chúng tôi, du lịch Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển và đầu tư, đặc biệt là tại các thành phố có tiềm năng vươn tầm châu lục như Phú Quốc, Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, hay các khu vực còn hoang sơ như Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ngãi... Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm nhìn thấy điều đó và hy vọng sẽ không chậm chân trong công cuộc đầu tư vào Du lịch Việt.
- Vậy ngành du lịch cần những điều kiện nào để thu hút các nhà đầu tư?
- Chính phủ và từng địa phương cần xây dựng và hoàn thiện, công khai quy hoạch phát triển kinh tế du lịch. Từ đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có căn cứ và yên tâm đầu tư . Quy hoạch này cần đi đôi với quy hoạch chung về kinh tế - xã hội tương ứng và đảm bảo phù hợp với các tiêu chí cụ thể về an ninh và quốc phòng, môi trường và khí hậu... Cơ chế và chính sách đầu tư phải thật sự rõ ràng, minh bạch và công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là các quy trình, thủ tục liên quan tới đất đai, đầu tư, thuế...
Đặc biệt là cần có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư cụ thể, thiết thực cho các lĩnh vực then chốt. Các lĩnh vực này có thể trực tiếp thuộc ngành du lịch (như cơ sở lưu trú, công viên giải trí, hoạt động lữ hành...) hoặc những lĩnh vực có nhiều tác động gián tiếp to lớn đến ngành này (cơ sở hạ tầng, cảng biển, đào tạo nhân sự).
Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế - đặc biệt là tới các quốc gia phương Tây. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, các chiến dịch quy mô lớn nhằm gia tăng ý thức của người dân và các hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
- BIM Group có dự định tìm kiếm vốn đầu tư phát triển các dự án du lịch gì?
- Xét về vị trí, BIM Group sẽ tiếp tục chú trọng vào Hà Nội, Ninh Thuận và Lào và đặc biệt là hai "thủ phủ du lịch" Hạ Long và Phú Quốc mà BIM tự hào nằm trong top những chủ đầu tư quy mô lớn và uy tín nhất. Ngoài ra, BIM cũng đang tiếp tục mở rộng điểm đến nhắm tới một số thị trường nhiều tiềm năng khác trải dài trên cả nước như Hải Phòng, Hội An, Đà Lạt ...
Về quy mô, ngoài việc phát triển các dự án thành phần thuộc Halong Marina và Phu Quoc Marina, tập đoàn BIM muốn hướng đến các dự án phức hợp với quy mô lớn. Xây dựng các "khu đô thị du lịch", "thành phố thu nhỏ" với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại đi cùng hàng loạt tiện ích vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch là chiến lược của BIM Group.
Về sản phẩm, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và dự án là mục tiêu quan trọng của BIM. Các sản phẩm bất động sản du lịch của chúng tôi sẽ hướng đến nhiều đối tượng khách hàng thuộc những phân khúc khác nhau. Điểm nhấn trong kế hoạch ngắn hạn của chúng tôi là khiến những nhà đầu tư trung cấp cũng có thể sở hữu ngôi nhà thứ hai cao cấp cho riêng mình.
Và cuối cùng, việc BIM Group hợp tác với hàng loạt các thương hiệu nghỉ dưỡng hạng sang là cách mà chúng tôi nâng tầm định vị du lịch cao cấp của Việt Nam lên tầm cao mới, sánh ngang và vượt tầm so với một số nước trong khu vực.
Hồng Dung