Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các đơn vị xác định có hay không việc cố ý làm trái quy định, vi phạm Luật Ngân sách trong việc UBND TP HCM ứng trước cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS - chủ đầu tư Khu xử lý rác Đa Phước) 9 triệu USD để triển khai dự án này.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM từng giải trình với Thủ tướng rằng, trả tiền trước cho VWS nhằm làm giảm chi phí xử lý rác từ 16,96 USD một tấn xuống còn 16,4 USD. Nhưng hành vi này bị Kiểm toán Nhà nước xác định không đúng theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan chức năng trước đó từng tham mưu cho thành phố "chưa có cơ sở ứng trước 9 triệu USD" cho nhà đầu tư. Việc định giá và ký hợp đồng bằng USD là vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối. Hay, VWS không đủ năng lực tài chính.
Giá xử lý rác quá cao
Với mức chi trả 16,4 USD để xử lý một tấn rác (tăng hàng năm, nhưng không quá 3%), Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND thành phố có thiếu sót. Bởi trước khi thành phố chốt mức giá này, Sở Tài chính tính toán chỉ ở mức 10,025 USD/tấn, còn Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho là "quá cao so với dự án tương tự".
Công nghệ xử lý rác tại Đa Phước cũng bị cho là lạc hậu, quá trình triển khai phát tán mùi hôi, ô nhiễm môi trường. Về việc này năm ngoái Tổng cục Môi trường xử phạt VWS hơn 1,5 tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả vi phạm. Dù vậy, quá trình kiểm tra Thanh tra Chính phủ thấy mùi hôi vẫn còn phát tán gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Thực tế khu xử lý rác Đa Phước có hạng mục làm phân compost và tái chế nhưng đến nay chưa thực hiện.
Đề nghị đưa Khu xử lý rác Phước Hiệp hoạt động trở lại
Thanh tra Chính phủ cho rằng, TP HCM đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để đưa rác về Đa Phước là phù hợp thực tế nhưng sai quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Phước Hiệp là khu xử lý rác liên tỉnh, hoạt động đến năm 2030 với công suất xử lý đến 8.000 tấn mỗi ngày. Việc đóng cửa bãi rác sẽ lãng phí ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng và nhiều chi phí khác nên Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND thành phố sớm đưa Phước Hiệp hoạt động trở lại.
Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007.
Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Đến cuối tháng 9/2016, chính quyền TP HCM xác định mùi hôi mà người dân khu Nam Sài Gòn phản ánh bắt nguồn từ khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước (huyện Bình Chánh). Thành phố cam kết sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện để dự án mang lại hiệu quả.
Hơn một tháng nay, người dân lại tiếp tục kêu cứu vì bị mùi hôi. Chính quyền thành phố đã đưa ra 10 biện pháp nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Trước đó, trong đơn tố cáo gửi đến Chính phủ, ông Đoàn Văn Đức đề nghị hàng loạt vấn đề cần thanh tra dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước gồm: xem xét lại đơn giá xử lý rác từ khi triển khai dự án; xác định giá trị đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài và Nghị định 52/1999 về quản lý đầu tư xây dựng công trình; làm rõ căn cứ UBND TP HCM ứng trước cho chủ đầu tư 9 triệu USD bằng ngân sách...
Ông Đoàn Văn Đức nhận là người hướng dẫn ông David Dương (Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty California Waste Solutions, Mỹ) về Việt Nam đầu tư xử lý rác, giới thiệu ông này cho ông Lê Thanh Hải – khi đó là Chủ tịch UBND TP HCM. Sau đó ông David Dương được thành phố cho đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Hữu Nguyên