Sáng 11/7, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương công bố, dân số Việt Nam đến tháng 4/2019 là 96,2 triệu, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, thứ 15 thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là cuộc điều tra quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Lần đầu cả nước ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn điều tra dân số nên thời gian công bố kết quả được rút ngắn từ một năm xuống còn hai tháng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành chuyên nghiệp, an toàn, thành công. "Bản thân tôi thấy điều tra viên đến nhà thu thập số liệu nhanh hơn những lần trước, bởi các công đoạn làm trên điện thoại thông minh", ông nói và cho biết, với việc áp dụng triệt để công nghệ thông tin, Việt Nam sẽ không phải tổng điều tra dân số nữa mà có thể cập nhật dữ liệu điện tử hằng năm.
Theo ông, quy mô dân số Việt Nam 10 năm qua tăng chậm hơn, theo sát chiến lược phát triển dân số của Chính phủ. Với mức tăng hiện nay, dự kiến đến 2020, Việt Nam sẽ đạt 98 triệu dân.
Kết quả điều tra dân số cũng cho thấy trình độ dân trí cả nước được cải thiện; số người trên 15 tuổi biết đọc, biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi học phổ thông được đến trường; tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh. Dữ liệu này rất quan trọng để các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng xem xét, nghiên cứu hoạch định đường lối phát triển kinh tế, xã hội và chính sách về dân số, nhà ở.
Số liệu dân số cũng là căn cứ cụ thể để các địa phương tiến hành sáp nhập xã, huyện trong thời gian tới (theo hai tiêu chí là diện tích tự nhiên và quy mô dân số).
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các cơ quan và địa phương tập trung phân tích chuyên sâu những dữ liệu từ cuộc tổng điều tra, tránh tình trạng "để số liệu nằm trong kho". Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao phổ biến dữ liệu dân số với người dân, tổ chức, đối tác phát triển của Việt Nam.
Ngoài ra, ông Huệ cho rằng từ kết quả tổng điều tra dân số, các cơ quan chức năng phải phân tích cụ thể để có chính sách kịp thời tận dụng thời kỳ dân số vàng, tránh tình trạng người Việt Nam "chưa giàu đã già"; đồng thời đề ra chính sách quan tâm đến người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.
Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ tăng dân số trung bình của Việt Nam giảm so với giai đoạn trước. "Tuy nhiên, tỷ lệ sinh đang được duy trì ổn định, là thành tựu rất lớn, giúp kéo dài lợi ích của thời kỳ dân số vàng. Việt Nam cần có chính sách tiếp tục tận dụng giai đoạn này", bà Astrid Bant nói.
Cho rằng số liệu dân số là nguồn thông tin quan trọng để đánh giá lại các chính sách, chiến lược phát triển đất nước, bà Astrid Bant khuyến nghị "Chính phủ, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam cần đầu tư phân tích các dữ liệu quý giá này".