Thứ ba, 16/4/2024
Thứ hai, 11/2/2019, 11:49 (GMT+7)

Phó thủ tướng xuống đồng trong lễ hội Tịch điền

Sau màn trống hội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng người dân địa phương xuống đồng thực hiện những luống cày theo nghi lễ truyền thống.

Phó thủ tướng đi cày trong lễ hội Tịch điền
 
 

Video: Trần Quang

Sáng 11/2 (mùng 7 Tết) xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên tổ chức lễ hội Tịch điền, kỷ niệm 1.032 năm ngày vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan xuống cày trên cánh đồng dưới chân núi. Đây cũng là năm thứ 10 lễ hội được UBND huyện Duy Tiên khôi phục sau quãng thời gian thất truyền.

Màn trống hội kéo dài gần 10 phút khai hội lễ Tịch điền.

Lễ Tịch điền mang ý nghĩa tế Thành hoàng, Thần Nông, các thần mây, mưa, sấm, chớp để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên còn được gọi là Hạ điền cầu bông. Theo sách sử, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng; năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, lễ tịch điền được nhiều đời vua sau duy trì.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tham dự lễ hội Tịch điền và xuống đồng thực hiện luống cày trong bộ quần áo nâu.

Theo thông lệ, ban tổ chức lễ Tịch điền chọn một người dân ở địa phương để tái hiện cảnh vua đi cày. Năm nay người được chọn vào vai nhà vua là ông Nghị Văn Tiên, 74 tuổi ở thôn Đọi Tín (xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên).

Sau nghi lễ nhập linh khí quân vương, người vào vai vua Lê Đại Hành được khoác long bào, đeo mặt nạ.

Những đường cày đầu tiên được thực hiện trên cánh đồng xã Đọi Sơn.

Theo thứ tự, nhà vua cày 3 sá, lãnh đạo Trung ương và tỉnh cày 5 sá, lãnh đạo huyện cày 7 sá, lãnh đạo xã và các bô lão cày 9 sá.

Theo sau những đường cày là các thôn nữ rắc hạt giống.

Đông đảo người dân địa phương đến dự lễ hội và dõi theo từng luống cày.

Những người nông dân tham gia vào luống cày ngày khai hội.

Sau khi lễ hội Tịch điền được phục dựng vào năm 2009, vào năm 2010, lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ Tịch điền Đọi Sơn. Những năm sau đó, nhiều vị lãnh đạo cấp cao đã tham dự lễ hội này.

Ngọc Thành