Ngày 11/11, tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Công nghiệp TP HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyên sinh viên phải ý thức được trách nhiệm lớn của bản thân với xã hội, tương lai và trước hết là với gia đình, người thân.
Ông Đam cho rằng, đại học là môi trường tự học nên đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực để vươn lên. Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên phải trở thành những công dân toàn cầu đúng nghĩa, với những kỹ năng và tác phong công nghiệp trong công việc, nghiên cứu.
"Làm sao để mình khi ra trường thì không thua chị, kém em. Không chỉ ở trong nước mà cả thế giới, không chỉ chuyên môn mà cả ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm", ông Đam nhấn mạnh.
Về phía trường đại học, Phó thủ tướng cho rằng đây phải là môi trường học tập và nghiên cứu khoa học dân chủ, những cống hiến khoa học được trân trọng, tôn vinh. "Những tài năng phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để bừng nở, những giá trị nhân văn được tỏa sáng. Những cựu sinh viên, cựu cán bộ sẽ luôn nhớ về khoảng thời gian học tập và lao động với rất nhiều tình cảm tốt đẹp", Phó thủ tướng chia sẻ.
Ông Đam nói thêm rằng, một quốc gia muốn giàu mạnh nhất thiết phải có một nền giáo dục tốt. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, vào yếu kém, Trung ương Đảng và cả xã hội đã xác định phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó có đổi mới giáo dục đại học.
Giải pháp nâng cao chất lượng đại học là thực hiện tự chủ đại học. Tự chủ đại học không phải là tự chủ tài chính, nghĩa là Nhà nước không cấp tiền cho đại học, mà bản chất thực sự của tự chủ đại học là tự quản trong đại học, bỏ chủ quản từ bộ chủ quản. "Trao quyền tự chủ cho đại học phải gắn liền với trách nhiệm giải trình của nhà trường, đồng thời đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho mọi người, đặc biệt cho gia đình chính sách, người nghèo", Phó thủ tướng nhắn nhủ.
Đánh giá cao Đại học Công nghiệp TP HCM với những thành công bước đầu trong hơn một năm thực hiện cơ chế tự chủ, song ông Đam nhắc nhở trường phải đẩy mạnh thực hiện tự chủ thực chất, không nửa vời. Phó thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung, điều chỉnh các quy định mà nhiều trường coi là cứng nhắc để đảm bảo đầy đủ và thực chất quyền tự chủ của các trường (như quy mô đào tạo, chỉ tiêu đầu vào, tỷ lệ giảng viên ngoài cơ hữu…).
"Đổi mới luôn là quá trình cọ xát giữa cái mới, cái cũ và luôn có một bộ phận bị ảnh hưởng. Bộ phận đấy nhiều khi không tách ra riêng là ai, bộ phận nào mà là ngay một phần trong chính chúng ta. Và điều quan trọng chúng ta phải dũng cảm vượt lên những trở lực do thói quen, do lợi ích. Tất cả vì lợi ích chung", ông chia sẻ.
TS Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp TP HCM - cho biết, đây là năm thứ hai và cũng là năm cuối trường thực hiện cơ chế tự chủ theo quyết định của Thủ tướng.
Cho rằng, thời gian thí điểm hai năm chưa thể đánh giá hết những hiệu quả và khó khăn của quá trình thực hiện nên ông Tuế đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thí điểm đến năm 2020.
Đại học Công nghiệp TP HCM có 1.510 cán bộ, giảng viên, nhân viên và hơn 35.600 sinh viên ở tất cả các bậc học.
Mạnh Tùng