Báo cáo với Phó thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, đến 17h hôm nay, tỉnh đã kêu gọi hơn 3.400 tàu, với trên 22.000 người vào tránh bão. Ngoài ra, có 145 tàu với hơn 1.000 người trú bão tại Malaysia và Thái Lan. Tỉnh đã sơ tán khoảng 98.000 ở vùng ven biển đến nơi an toàn.
"Các điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây đã được gia cố. Nhiều hộ nuôi thủy sản tại đảo Hòn Chuối đã thu hoạch, số còn lại sẽ áp dụng phương pháp đánh chìm vào thời điểm thích hợp để giảm thiệt hại", ông Hải cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý cho đến chiều mai, khi bão đi qua tỉnh cần chú ý hoàn lưu bão; không vội cho tàu bè ra khơi mà cần theo dõi kỹ càng để thông tin cảnh báo, hướng dẫn người dân.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau đã ứng phó bão Tembin với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
"Tuy bão giảm cường độ, hướng đi thay đổi, tâm bão không trực tiếp vào đất liền, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn nên không thể chủ quan", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Ông yêu cầu địa phương tiếp tục quyết liệt, luôn chủ động phòng chống bão. Nghiêm túc thực hiện việc cấm biển đến khi đảm bảo an toàn mới cho tàu thuyền ra khơi; tăng cường kiểm tra lại công tác bảo vệ các công trình công cộng khác; tiếp tục theo dõi kỹ diễn biến và khắc phục hậu bão.
"Mục tiêu số một phải đảm bảo an toàn tính mạng con người. Ngoài ra, cần bảo vệ tài sản của người dân, tài sản nhà nước, bảo vệ các công trình xây dựng...", Phó thủ tướng nói.
Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác di dời dân tại cửa biển Nhà Mát và khu neo đậu tàu thuyền trú bão dọc theo tuyến kênh 30/4 (TP Bạc Liêu).
Bão Tembin còn diễn biến phức tạp
Có mặt trong chuyến thị sát tại vùng biển thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, ông Lê Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia - cho rằng bão giảm cấp nhưng mức độ nguy hiểm cho các vùng Tây Nam bộ, đặc biệt là bán đảo Cà Mau còn rất lớn.
Theo ông Hải, bão giảm cấp sau khi đi qua khu vực quần đảo Trường Sa, hiện giữ cấp độ 9- 10. Khi vào đất liền từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau ảnh hưởng cấp 8-9. "Chiều nay bão còn cách đất liền gần 300 km, có thể 14 tiếng nữa bão mới đến nên không thể khẳng định được điều gì", ông Hải nói và cho biết bão đang có xu hướng giảm cấp và chệch quỹ đạo đi xuống phía Nam bán đảo Cà Mau.
Khi bão vào, khu vực biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau sẽ ảnh hưởng nhiều hơn khu vực biển Tây với cường độ gió cấp 8-9. Có thể khi qua đến khu vực biển Kiên Giang thì bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ông cho biết việc cơn bão xuất hiện cuối năm và hướng vào Nam Bộ là hiếm thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa bão kéo dài hơn. "Cách đây 20 năm có cơn bão Linda được xem là 'cả đời mới gặp lần'. Nhưng những năm gần đây đều thấy xuất hiện bão cường độ mạnh đi vào hướng này. Điều này cho thấy hiện tượng biến đổi khí hậu đang xảy ra ngày càng rõ rệt", ông nói.
Ngoài ra, hiện tượng La Nina cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện cơn bão số 16 này. Khi trời lạnh hơn, vùng nhiệt đới ở Việt Nam có nhiều hoạt động nhiễu động, nhưng với cơn bão này thì khó hiểu hơn khi nó xuất hiện tháng 12, còn Linda 20 năm trước thì lại xuất hiện cuối tháng 10.
Ông Hải cho rằng chính quyền địa phương cùng người dân vẫn không nên chủ quan, lơ là phòng tránh. "Cơn bão giảm cấp chứ không phải là tan nên vùng ảnh hưởng vẫn còn lớn, phạm vi không còn rộng như trước nhưng khu vực gần tâm bão hay có gió xoáy, giật nên cần nâng cao cảnh giác", ông Hải nói.
>> Cuộc sống tại điểm trú bão của người dân Bạc Liêu
Phúc Hưng – Phước Tuấn