Ngày 14/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc tích tụ ruộng đất thành mảnh lớn để có thể đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, chuyên canh hiện đại là yêu cầu cấp bách của nền nông nghiệp và kinh tế Việt Nam. Hiện có nhiều mô hình bước đầu có hiệu quả ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, cần được nghiên cứu để nhân rộng.
Ông lưu ý các địa phương cần phân tích kỹ các yếu tố hay khu vực nào cần triển khai công việc trên, nhằm đảm bảo lợi ích của các bên trong đó đặc biệt là người dân. "Quá trình tích tụ ruộng đất phải không làm nghèo người nông dân, không làm bà con mất việc làm, đời sống khó khăn hơn", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà, quá trình tích tụ, tập trung đất đai còn diễn ra chậm, manh mún gây cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn cho nông nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp rất ít và đang có xu hướng giảm. Nếu như năm 2014 có gần 4.000 đơn vị thì đến 2015 còn 3.500, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
"Thực tế có nhiều trường hợp tích tụ tập trung được đất đai, nhưng chưa tổ chức sản xuất và khai thác sử dụng có hiệu quả; tình trạng không đưa đất vào sử dụng khá phổ biến", ông Hà nói.
Bộ Tài nguyên cho hay, thời gian qua chính sách pháp luật về đất đai cơ bản hoàn thiện, phù hợp cơ chế thị trường, nhưng một số quy định chưa khuyến khích sự tích tụ đất đai. Điển hình là mức thuế phí liên quan còn cao, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 25% (tính theo chênh lệch giữa giá chuyển nhượng trừ đi giá mua), hoặc 2% giá chuyển nhượng và 0,5% lệ phí trước bạ.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị, ông Trần Kiên Cường cho biết, việc triển khai các dự án nông nghiệp của đơn vị gặp nhiều rủi ro, nếu không có được sự đồng hành của chính quyền địa phương thì rất khó thực hiện.
"Có dự án chúng tôi ký hợp đồng trực tiếp với hơn 1.000 hộ nông dân, nếu họ phá hợp đồng thì toàn bộ dự án thất bại. Bên cạnh đó, giá trị tài sản đầu tư trên đất của chúng tôi rất lớn nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận. Bất kể lúc nào, tài sản đó cũng có thể không còn thuộc về chúng tôi, không thể mang ra thế chấp hay bảo lãnh", ông Cường nói.
Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đất đai, tập trung vào các vấn đề như giao đất lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…
Ông cũng chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng chế tài bảo đảm quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất.
Theo Bộ Nông nghiệp, hiện cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân, với 70 triệu mảnh đất nông nghiệp. Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,46 ha, trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á.Việc phân mảnh nhỏ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và năng suất lao động do cản trở cơ giới hóa, lãng phí thời gian lao động và đất bờ bao, tăng chi phí trung gian, giảm năng lực chống chọi với rủi ro... |