Báo cáo tại Hội nghị Triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông các dự án đầu tư mở rộng QL 1A đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) sáng 15/7 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Trương Tấn Viên cho biết, dự án mở rộng QL1A từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.887 km, được chia thành 37 dự án, trong đó có 17 dự án BOT với chiều dài 562km cùng tổng mức đầu tư 42.502 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án QL 1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, 25.000 hộ dân bị thu hồi đất, 7.500 hộ phải tái định cư. Dự án Ql 14 cũng có 620 hộ phải giải tỏa, bố trí tái định cư. Tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng đang còn nhiều vướng mắc như giá đất bồi thường ở nhiều địa phương chưa sát với giá thị trường; chênh lệch giá giữa các địa phương liền kề gây khiếu kiện, thắc mắc trong dân; thiếu vốn dẫn đến chi trả tiền cho dân chậm so với thời điểm áp giá đền bù…
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm "nóng" hội trường khi yêu cầu 23 địa phương có các dự án đi qua phải tập trung cả hệ thống chính trị vào công tác giải phóng mặt bằng, chấm dứt tình trạng nói không làm, nói một đường làm một nẻo. "Tại sao Quảng Trị giải phóng mặt bằng hơn 13km nhưng suốt 5 năm vẫn chưa xong? Một cuộc họp lớn như thế này mà nhiều địa phương vắng mặt lãnh đạo tỉnh, cử giám đốc sở đi thay thì báo cáo gì, tiếp thu gì?", Phó thủ tướng nói.
Tỉnh Hà Tĩnh được Phó thủ tướng khen ngợi là địa phương dẫn đầu về công tác giải phóng mặt bằng và đề nghị báo cáo kinh nghiệm trước hội nghị. Phó chủ tịch thường trực Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ cho biết, đường QL 1A đi qua địa bàn dài 127km, đến nay tỉnh đã bàn giao cơ bản mặt bằng cho nhà đầu tư, số còn lại chậm do chủ đầu tư chỉnh tuyến.
"Trước hết phải tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của dự án, nói cho dân biết khi giải tỏa thì họ sẽ được hưởng những chính sách cụ thể gì, bà con hiểu thì sẽ đồng ý thực hiện. Không làm được điều này thì sẽ không làm được cái khác", ông Kỳ nói. Theo ông, phía chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng chứ không thể ỉ lại, đồng thời phải ổn định mốc lộ giới, thống nhất bảng áp giá đền bù cho dân.
Khẳng định khi đã bàn giao mặt bằng mà chủ đầu tư không thi công thì dân lấn chiếm, ông Kỳ nghị nhận định khi dân nói đúng thì hội đồng thẩm định của tỉnh phải xem xét, không thể để người dân vì giải tỏa đền bù mà thường xuyên bức xúc, khiếu kiện. "Dân mỗi nơi mỗi khác. Ở địa phương chúng tôi còn có tình trạng dân lên chửi ủy ban, mà người chửi lại là bố mẹ của cán bộ công chức bởi chính những cán bộ công chức về nhà xúi gia đình mình đi kiện", ông Kỳ nói thêm.
Nhận trách nhiệm 5 năm không hoàn thành giải phóng mặt bằng 15km đường thuộc dự án là có lỗi của chính quyền, ông Mai Thức, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị hứa sẽ hoàn thành trong tháng 7 này. Ông này đưa ra 3 lý do dẫn đến việc trì trệ của địa phương gồm: tỉnh áp giá đền bù năm 2011 nhưng chủ đầu tư không chi tiền kịp, dẫn đến năm 2012 giá cả tăng cao và người dân khiếu kiện; theo kế hoạch tỉnh còn thiếu hơn 17 tỷ đồng đền bù cho dân; vướng mắc trong việc thu hồi đất lúa.
Đáp lại lời ông Thức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng: "Ông nào (chủ đầu tư) không làm được, không đủ năng lực thì đứng dậy xin rút lui, đừng để Bộ trưởng Giao thông phải ra quyết định thu hồi dự án".
Đối thoại với chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đặt hai câu hỏi với ông Võ Minh Hoài, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh: "Ông trả lời tại sao chậm? Khi nào xong?".
Hứa trước Phó thủ tướng và Bộ trưởng Giao thông, ông Hoài nói đến tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành và dẫn hàng loạt lý do, kiến nghị trong 5 trang giấy A4, như việc bàn giao mặt bằng chậm, manh mún dẫn đến việc đầu tư xây dựng không đúng tiến độ, ảnh hưởng đến giao thông; nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án vướng mắc do các mỏ đất, đá đã nằm trong quy hoạch của Nhà nước; Nhà nước cần giảm bớt thủ tục cho nhà đầu tư về khai thác mỏ đá…
Bộ trưởng Thăng nhiều lần phải ngắt lời ông này khi cho rằng nói lan man, không đúng trọng tâm, cùng kết luận: "Anh nói dài như vậy thì tiến độ chậm là phải". Ông Thăng cũng yêu cầu Công ty 194 (tham gia đầu tư dự án QL 1A qua tỉnh Khánh Hòa) giải trình trước nguồn tin họ đang bán dự án và chỉ ngừng "truy" khi đại diện công ty khẳng định không có chuyện này.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các dự án BOT phải bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng như một phương thức chứng minh chủ đầu tư có tiền thực hiện dự án. Từ nay đến cuối năm, dự án nào chậm thì trách nhiệm thuộc về Thứ trưởng, sau đó mới đến chủ đầu tư và địa phương. Việc giải phóng mặt bằng phải sạch sẽ, dứt điểm 10km một lần. Cấp nguyên vật liệu cho nhà đầu tư tuyệt đối không qua trung gian để giảm chi phí. Việc cấp phép đầu tư cũng cần rút gọn tối đa quy trình.
"Dự án QL 1A phải đảm bảo thiết kế 4 làn xe và 2 làn xe thô sơ. Địa phương nào muốn mở rộng hơn thì chi tiền làm nhưng có quy hoạch cụ thể. Tái định cư cũng không thể kết hợp để làm kiểu 5 sao được, bởi ngân sách Nhà nước có hạn. Việc ký hợp đồng BOT cần thận trọng, đọc cho kỹ. Hết tháng 8 này mà dự án BOT nào không bỏ tiền ra thì lập tức thu hồi", Bộ trưởng Giao thông ra tối hậu thư.
Bế mạc hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý và tái khẳng định sẽ thu hồi những dự án BOT không có khả năng thực hiện, đồng thời yêu cầu hai dự án hoàn thành trong năm 2016. "Một quốc gia có một tuyến đường xuyên suốt là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bây giờ chúng ta làm là đã trễ rồi. Thời gian qua có hàng vạn người chết vì tai nạn giao thông, nên không thể chậm trễ hơn được", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng thống nhất cho ứng 5.000 tỷ đồng để các địa phương giải phóng mặt bằng, đồng thời yêu cầu không để xảy ra tình trạng kê khống tài sản để nhận đền bù như xây nhà, trồng cây giả…; việc thi công phải khoa học, liên tục; tái định cư cần đi trước một bước. Đơn vị nào không đảm bảo thi công thì lập tức đình chỉ, không để mất an toàn và ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
"Thi công mà làm ẩu là có tội với người dân, có tội với đất nước, tránh thi công làm trước hỏng sau, gian dối, làm theo định mức. Nói phải thì cải cũng phải nghe, nên cần tạo mọi điều kiện tái định cư cho người dân. Trường hợp nào chống đối thì kiên quyết cưỡng chế", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyễn Đông