Chiều 17/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham gia giải trình trong phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Theo ông, với báo chí và mạng xã hội, tinh thần chung của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển nhưng phải tăng cường quản lý với thái độ cương quyết.
Phó thủ tướng nói, hiện trên thế giới có 7,5 tỷ người thì 52% dùng internet và 42% số đó dùng mạng xã hội; ở Việt Nam, con số lần lượt là gần 70% và 60%.
Với số lượng người dùng lớn, thị trường internet ở Việt Nam lại gần như "của các công ty nước ngoài", với tỷ lệ từ trên 80% sử dụng dịch vụ của Google, Facebook, Yahoo...; chỉ riêng lĩnh vực trò chơi điện tử là các nhà cung cấp trong nước chiếm 60%.
"Thị trường quảng cáo trực tuyến năm qua là 350 triệu USD, Facebook và Youtube chiếm 80%", Phó thủ tướng cho hay.
Về kinh nghiệm thế giới, Phó thủ tướng nói Trung Quốc làm "hoàn toàn mạng trong nước", một số nước quản lý tốt như Nga thì Facebook đứng thứ 5 danh sách các nhà mang xã hội có nhiều người dùng; tương tự ở Nhật Bản là thứ 6 và Hàn Quốc thứ 7.
"Các nước có công cụ pháp luật, họ cố gắng tạo ra các nhà cung cấp để chống độc quyền, hoặc dùng các biện pháp kỹ thuật để chặn, lọc, làm chậm lại và tuyên truyền giáo dục", ông Đam nói.
"Sáng nay Thủ tướng đã nói với tôi rằng, cần phải báo cáo với Quốc hội là Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông, các Bộ ngành phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Tạo điều kiện phát triển nhưng phải đảm bảo ổn định của chính trị, không được xuyên tạc, bôi xấu, chia rẽ, gieo rắc thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước, văn hoá Việt Nam", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ý thức người dùng mạng ở Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất thế giới
Về vấn đề an toàn an ninh thông tin, ông Đam nói: "Chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu không đảm bảo an toàn an ninh thì nguy hại vô cùng". Hiện về ứng dụng công nghệ thông tin thì Việt Nam đứng thứ 80 thế giới (mức trung bình), nhưng an toàn đứng trên 100 (trung bình yếu). Trong đó, chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới.
Phó thủ tướng thông tin, trên thế giới cứ một giây có 176 sự cố liên quan đến an toàn an ninh thông tin, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, có 4 mã độc được phát tán ra.
Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ trên 100 về an toàn thông tin nhưng một vài chỉ số đứng cuối cùng của thế giới. Đó là chỉ số tán phát thư rác từ Việt Nam. Cứ một giờ thì có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% trong số đó là thư rác, nhiều thư chứa mã độc. Và cứ 100 thư thì Việt Nam có 11,17%; Trung Quốc 12,4%; Mỹ 8,5%. Ở đây, nếu tính số người thì Việt Nam đứng số một, gấp 13,4 lần Trung Quốc và gần 8 lần Mỹ.
Theo ông Đam, ngày xưa nói an toàn an ninh thông tin chỉ nói đến những người làm công nghệ thông tin, máy tính. Bây giờ vạn vật kết nối, từ điện thoại di động, điện thoại, tivi nên tỷ lệ lây nhiễm từ thiết bị cá nhân ở Việt Nam cao nhất thế giới.
"Cuối năm 2016, đánh giá Việt Nam có 71,38% thiết bị bị lây nhiễm. Khi phỏng vấn người dân ở các nước thì 60% nhận ra nguy cơ từ thiết bị cá nhân, ở Việt Nam chỉ có 11% người dân nhận ra", ông Đam nói.