![]() |
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: H.H. |
- Đã nhiều lần Bộ đề cập đến việc tăng học phí. Vấn đề này sẽ được quyết định như thế nào?
- Đầu tháng 9, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ dự thảo điều chỉnh học phí. Với học phí một tháng 180.000 - 200.000 đồng không thể đào tạo ĐH với chất lượng tối thiểu cần thiết. Nếu học phí tăng nhiều, sẽ phải giảm số lượng người đi học để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH.
Học phí bậc phổ thông nhìn chung phù hợp với khả năng chi trả của các gia đình. Học phí ở Hà Nội có thể khác ở Cao Bằng để đảm bảo bình đẳng. Các gia đình có thu nhập dưới mức bình quân của địa phương thì được giảm hoặc miễn học phí. Còn những người thu nhập cao muốn con được giáo dục tốt hơn thì sẽ vào những trường học phí cao.
Tuy nhiên, Bộ sẽ yêu cầu các địa phương hạn chế mở các trường học phí cao để trẻ em đều tìm được chỗ học. Việc tăng học phí không áp dụng ngay trong năm học này mà sẽ được thực hiện trong năm học 2008-2009.
- Ông có cảm giác gì sau một năm thực hiện “Nói không với gian lận thi cử và bệnh thành tích"?
- Tôi mừng là nhân dân đòi hỏi ngành giáo dục đổi mới, ngành giáo dục bước đầu đổi mới và được nhân dân ủng hộ. Do đó tôi tin rằng có sự phối hợp của Nhà nước, thày giáo, học sinh, sinh viên thì có thể đổi mới được. Khi tiến hành cuộc vận động “Hai không”, chúng tôi hình dung rằng ngay từ đầu, kết quả thi cử sẽ thấp hơn năm trước.
Kết quả thi kém, tôi rất buồn vì chưa làm tròn trách nhiệm với xã hội. Nhưng mặt khác cũng rất mừng vì nhân dân không trách ngành giáo dục tổ chức thi nghiêm túc khiến kết quả thi thấp. Đó là sự động viên và cho thấy phải đánh giá đúng thực chất thì giải pháp mới phù hợp.
Tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ quyết liệt hơn nữa của các địa phương và sự tham gia nhiều hơn nữa của phụ huynh cùng các thày cô để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển.
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng "ngồi nhầm lớp" hiện nay?
- Vừa qua, lãnh đạo Bộ đã dành hẳn một ngày làm việc với Nghệ An chỉ để xử lý việc học sinh trượt tốt nghiệp lần 2 và ngồi nhầm lớp. Qua đó, Bộ và tỉnh đã cùng bàn bạc một số biện pháp xử lý tình trạng này.
Khắc phục tình trạng ngồi nhầm lớp là quá trình nhiều năm nhưng Bộ sẽ tập trung trong 3 năm tới xử lý vấn đề này. Trong giáo dục phổ thông năm nay có thêm mục tiêu “không ngồi nhầm lớp”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua mới chỉ ra yếu kém của học sinh lớp 12. Thực ra nguyên nhân của việc yếu kém này bắt nguồn từ lớp 1 tới lớp 11.
Muốn học sinh đạt chuẩn thì phải đưa các giáo viên không đạt chuẩn ra khỏi ngành. Nghệ An báo cáo hiện vẫn còn 3.000 giáo viên không đạt chuẩn đứng lớp. Sắp tới, chúng ta sẽ phải đưa hàng vạn giáo viên cả nước ra khỏi ngành để đưa sinh viên tốt nghiệp sư phạm vào hệ thống giáo dục.
- Trong năm học này, vấn đề vi phạm đạo đức nhà giáo sẽ được xử lý thế nào?
- Đầu năm học này, tất cả các trường phổ thông phải rà soát về tình trạng vi phạm đạo đức và bàn bạc, cam kết không vi phạm điều này. Bộ đặt ra phương châm mỗi nhà giáo là một tấm gương đạo đức và tự học.
Vi phạm đạo đức nhà giáo là vấn đề bức xúc đối với giáo dục nước ta trong quá trình phát triển. Nếu học trò không có khả năng tự học thì không có khả năng hội nhập. Muốn học trò tự học được thì trước hết mỗi thày cô giáo phải là tấm gương tự học.
![]() |
Học sinh thành thị sẽ đóng học phí cao hơn các vùng khác. Ảnh: H.H. |
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự chậm trễ trong việc thực hiện "Hai không" ở các ĐH, CĐ?
- Trong ĐH, CĐ hầu như không có bệnh thành tích nhưng tiêu cực thì nhiều. Năm học vừa qua chúng ta chưa chốt lại, tập trung vào yếu kém nào. Đã đến lúc các ĐH, CĐ chấm dứt tình trạng đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội.
Còn kéo dài việc đào tạo chất lượng thấp thì còn gây lãng phí cho xã hội bởi những người không đạt chuẩn nếu đi làm chỉ là nhân tố làm giảm hiệu quả công việc. Một kỹ sư khi ra trường phải đủ kỹ năng hành nghề. Nhiều trường biết rằng đang đào tạo ra những kỹ sư không đạt chuẩn nhưng vì lợi nhuận vẫn tiếp tục việc đào tạo này.
- Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần có chiến lược giáo dục mới. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tháng 1 năm sau Bộ sẽ trình Thủ tướng dự kiến chiến lược giáo dục Việt Nam đến năm 2020. Ngân hàng thế giới cũng giúp kinh phí mời một giáo sư nguyên là Bộ trưởng giáo dục Chile, thường xuyên giảng dạy ở nhiều ĐH trên thế giới làm tư vấn.
Tiến Dũng ghi