Sáng 19/4, tại Hà Nội, tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA) họp hội nghị ban chấp hành lần thứ 44 với chủ đề "Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo".
40 đại biểu quốc tế tham dự là lãnh đạo các hãng thông tấn lớn: Azertac (Azerbaijan), TASS (Liên bang Nga), Tân Hoa Xã (Trung Quốc), Kyodo News (Nhật Bản), Yonhap News Agency (Hàn Quốc), AAP (Australia), BTA (Bulgaria)...
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói OANA đang cung cấp 2/3 lượng thông tin toàn cầu, khẳng định vai trò kiểm chứng thông tin và mang lại niềm tin của công chúng với báo chí chính thống.
Theo ông, thế giới hiện có hơn 4 tỷ người sử dụng Internet, hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội; thực trạng này khiến báo chí và truyền thông phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ mạng xã hội. Các cơ quan truyền thông vừa phải đảm bảo duy trì những nguyên tắc cơ bản của báo chí, vừa phải kịp thời tự làm mới để không bị tụt lại phía sau.
Phó thủ tướng cho rằng, một nền báo chí sáng tạo, chuyên nghiệp sẽ cuốn hút, duy trì và củng cố niềm tin của công chúng, đặc biệt trong bối cảnh tin giả đang bào mòn lòng tin của xã hội đối với truyền thông.
"Thúc đẩy hoạt động báo chí theo hướng sáng tạo, chuyên nghiệp sẽ tăng thêm sức mạnh cho các tổ chức báo chí trong thực thi sứ mệnh của mình", ông nói.
Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi bổ sung thêm, hơn 4 tỷ người sử dụng Internet trên toàn cầu và rất nhiều người trong số này đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan truyền thông tin, báo chí không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải "cạnh tranh một cách không công bằng với chính công chúng truyền thống của họ".
Ông giải thích, trong khi báo chí phải kiểm chứng thông tin, phỏng vấn hay thu thập dữ liệu để có những thông tin toàn diện và khách quan thì nhiều tổ chức, cá nhân với tài khoản mạng xã hội, chỉ cần một cú nhấp chuột đã có thể phát tán không giới hạn nhiều thông tin không kiểm chứng, mang tính chủ quan, thậm chí với dụng ý xấu để trục lợi và gây hỗn loạn xã hội.
Theo ông Lợi, đối phó với những thách thức nêu trên, các hãng thông tấn thành viên của OANA đã và đang thay đổi chính mình, trong đó "đổi mới và sáng tạo là điều mang tính sống còn".
Chung lo lắng về trào lưu tin giả đang nở rộ trên mạng xã hội, ông Aslan Aslanov - Chủ tịch OANA đề xuất, các cơ quan truyền thông cần ứng phó bằng cách tận dụng tối đa công nghệ mới, hiện đại hoá cách tổ chức, tạo cơ chế trao đổi thông tin linh hoạt để duy trì tính chính xác, khách quan, công bằng của thông tin.
Hội nghị tiếp tục trong chiều nay với nội dung thảo luận về: Chiến lược của các hãng thông tấn để ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin; Tin giả và kiểm chứng thông tin; Giành lại niềm tin với báo chí chính thống.