Chiều 10/6, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong đó nhấn mạnh đảm bảo vaccine là nhiệm vụ cấp bách. Bộ trưởng Y tế căn cứ Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn để áp dụng mua vaccine trong trường hợp cấp bách với hình thức chỉ định thầu, đấu thầu, đàm phán giá hoặc đặt hàng.
Phó thủ tướng yêu cầu trong hôm nay Bộ Y tế làm việc với đơn vị sản xuất trực thuộc để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; thương thảo với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để "mua trước, trả tiền sau"; đồng thời trình Chính phủ dự thảo nghị quyết bố trí ngân sách mua vaccine. Sau khi được phân bổ ngân sách, Bộ Y tế mua ngay vaccine và cung ứng cho địa phương.
Bộ trưởng Y tế được giao làm việc với cơ quan y tế nước ngoài, Tổ chức Y tế thế giới; Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm nguồn hỗ trợ, viện trợ vaccine, nhất là loại 5 trong 1.
Tại cuộc họp với các đơn vị vào sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh "bằng mọi giải pháp phải đủ vaccine và tiêm cho các cháu sớm nhất". "Cần làm rõ những loại vaccine nào đang thiếu, hình thức mua sắm thế nào", ông nói.
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, nhiều địa phương gặp vướng khi mua vaccine tiêm chủng mở rộng trong việc tham khảo giá, cơ chế đấu thầu, đặt hàng, kiểm định chất lượng. Vì vậy, địa phương đề nghị Bộ Y tế đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc đàm phán giá các loại vaccine.
Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết toàn quốc có 9/11 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia còn đủ số lượng; đang thiếu 2 loại vaccine 5 trong 1 (phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib), vaccine 3 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván). Bà Hồng đề xuất đàm phán giá nhập vaccine 5 trong 1 "càng sớm càng tốt".
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng cho rằng vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia nên địa phương không có cơ chế tự đấu thầu. Hơn nữa, địa phương tự đấu thầu thì thời điểm có vaccine sẽ khác nhau, dẫn đến việc người dân đưa trẻ từ nơi này sang nơi khác tiêm chủng, ảnh hưởng đến khả năng dự trù.
"Phương án khả thi nhất là trung ương cấp ngân sách để Bộ Y tế đấu thầu và phân bổ vaccine, như vậy sẽ có sau 1-2 tháng, đáp ứng được nhu cầu và giải quyết tình trạng thiếu vaccine hiện nay", ông Dũng đề xuất.
Đồng tình, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng địa phương không thiếu kinh phí, không sợ trách nhiệm nhưng đang thiếu cơ chế mua sắm. Do đó, Bộ Y tế cần mua sắm tập trung và điều phối cho địa phương.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tại Việt Nam từ năm 1981, do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Chương trình có mục tiêu ban đầu là tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới một tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Từ năm 1985, toàn bộ trẻ em dưới một tuổi trên toàn quốc đã được tiếp cận với Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2010, đã có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Nhiều tháng qua, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng xảy ra tại nhiều địa phương. Nguyên nhân là quá trình chuyển đổi cơ chế từ mua sắm vaccine bằng ngân sách trung ương sang chuyển giao cho các địa phương triển khai.