-
Kết thúc ngày đầu tiên thảo luận kinh tế xã hội, đã có 52 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân tham gia thảo luận. Hiện còn 42 đại biểu đăng ký chờ phát biểu.
Sáng mai Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Giáo dục & Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
-
Phó thủ tướng: Lùi thời gian điều chỉnh giá điện sẽ phải tăng cao hơn
Cuối phiên thảo luận chiều 30/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được mời giải trình thêm về giải pháp kiềm chế lạm phát và giá điện. Một lần nữa, ông khẳng định lộ trình điều chỉnh giá điện được Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN thực hiện theo đúng quy định Luật Điện lực, Quyết định 24 và các văn bản pháp luật khác. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết gửi Quốc hội về điều chỉnh tăng giá mặt hàng này.
Theo ông, điện là mặt hàng vật tư chiến lược, góp phần vào ổn định, tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán để tăng 1% GDP thì phải điện phải tăng trưởng 1,5%. Kịch bản GDP năm 2019 là 6,8% thì điện phải tăng 11,35%. "Điều hành điện phải đảm bảo mục tiêu kép kiểm soát lạm phát và giá hợp lý kêu gọi đầu tư vào điện", ông nhấn mạnh.
Về mức tăng giá, trên cơ sở các yếu tố đầu vào, chi phí... ngành điện đưa ra 3 kịch bản, song sau nhiều cân nhắc Thường trực Chính phủ đã lựa chọn mức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36% từ ngày 20/3.
Về việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 đến ngày 30/3) là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. "Lùi thời gian điều chỉnh giá điện sẽ phải tăng cao hơn", ông nói.
Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.
Ông nhắc lại 3 nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% và kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với tháng liền kề.
Về lạm phát, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kiểm soát ổn định vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế là "nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, Chính phủ". Ba năm qua CPI đã được kiểm soát dưới 4% và được ghi nhận là điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Năm 2019 Quốc hội ra Nghị quyết là dưới 4%; Chính phủ phấn đấu mức dưới 4%, nhưng lựa chọn điều hành của Ban chỉ đạo giá là 3,3-3,9%.
Các biện pháp kiềm chế lạm phát được Phó thủ tướng nêu, gồm: Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, phối hợp chính sách; kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,8%. Cùng đó, theo dõi và điều tiết, kiểm soát một số mặt hàng thiết yéu như giá điện, xăng dầu, gas... Tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của giá điện; tăng cường công tác dự báo các mặt hàng thiết yếu và điều chỉnh vào thởi điểm phù hợp và vì mục tiêu chung. Cuối cùng, công khai minh bạch chi phí đầu vào giá thiết yếu, trong đó có giá điện tạo niềm tin của doanh nghiệp...
-
'Biên giới là lá phổi xanh của đất nước'
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó tư lệnh Quân khu 2 nêu quan điểm về vấn đề môi trường trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Theo ông, xét về địa lý tự nhiên thì Trung Quốc có lợi thế cao hơn Việt Nam. Toàn bộ sông suối xuyên biên giới chủ yếu từ đất Trung Quốc chảy vào Việt Nam. Trước nhu cầu phát triển, Trung Quốc đã đầu tư nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất và khai thác tài nguyên khoáng sản, thành lập các trung tâm dân cư sát biên giới.
"Vì thế, không ít chất thải, nước thải độc hại xả xuống các sông, suối xuyên biên giới, chảy vào Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ người dân", tướng Sùng Thìn Cò nêu thực tế.
Ông đề nghị Chính phủ rà soát lại thực trạng này. Trường hợp Việt Nam và Trung Quốc chưa ký hiệp định về quản lý, bảo vệ môi trường xuyên biên giới thì cần sớm đàm phán để tiến tới ký kết. "Biên giới là lá phổi xanh của đất nước, cần bảo vệ môi trường và sức khoẻ người Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, tướng Sùng Thìn Cò cũng cho biết, Trung Quốc đã đầu tư nhiều công trình thuỷ điện ở thượng nguồn; theo Công ước về nước của Liên Hợp Quốc, quốc gia ở thượng nguồn có trách nhiệm điều phối nước cho các nước phía hạ nguồn. Tuy nhiên, nhiều thời điểm Trung Quốc không điều phối nước, thậm chí có lúc đập thuỷ điện xả bất ngờ...
"Đề nghị Chính phủ và các tỉnh biên giới có công hàm, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho Việt Nam nếu do họ gây nên, đảm bảo Công ước về Nước, các văn bản thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
-
Nhiều tỉnh sáp nhập huyện xã, giảm cơ quan chuyên môn
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay các tỉnh, thành đang lập đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, trong đó bên cạnh sắp xếp các đơn vị hành chính không đủ 50% tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo quy định, một số tỉnh còn khuyến khích sắp xếp thêm.
Cụ thể, Hoà Bình sắp xếp thêm 24 xã, Thanh Hoá, Hà Tĩnh thêm 10 xã, nhiều địa phương sắp xếp 3 xã thành một như Hà Tĩnh, Thái Bình.
Sau khi sắp xếp, Cao Bằng giảm 3/13 đơn vị hành chính cấp huyện, 4/199 xã; Hoà Bình giảm một huyện và 59 xã; Hà Tĩnh giảm 47 xã và Thanh Hoá giảm 76 xã.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng biện pháp cụ thể nhằm giúp các địa phương sắp xếp số lượng lớn cán bộ dôi dư, nhất là cán bộ lãnh đạo. Để đảm bảo đồng bộ, ông Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, mặt trận tổ quốc hướng dẫn sắp xếp đơn vị tương ứng.
Đối với việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, ông Tân cho hay nguyên tắc là sau sắp xếp số cơ quan không nhiều hơn hiện có và chia theo nhóm cơ quan thống nhất chung, cơ quan sắp xếp cho phù hợp, cơ quan thực hiện thí điểm và nhóm đặc thù. Khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa giao HĐND tỉnh quyết định.
"Lần này đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương. Đây là vấn đề mới, phức tạp nên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp. Để tạo sự đồng thuận giữa bộ, ngành trung ương, Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến việc sắp xếp đơn vị cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, huyện tại cuộc họp thường kỳ chiều mai 31/5", ông Tân nói.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, đến nay, có 4 tỉnh là Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai giảm 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 15 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm 185 phòng chuyên môn.
Theo nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021, đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.
Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.
Hiện có khoảng 16 quận, huyện và 631 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn.
-
Đề nghị sớm có giải pháp huy động ngoại tệ, vàng trong dân
Ông Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhận xét về điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ qua 2 giai đoạn.
Theo ông, giai đoạn trước đây tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, lập ồ ạt các tổ chức tín dụng trong thời gian ngắn... "Một lượng tiền khổng lồ được bơm vào nhưng kinh tế không hấp thụ được", ông Chiểu nói.
Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay được ông Chiểu đánh giá "năng động, linh hoạt và tương đối ăn khớp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá". Tăng trưởng tín dụng kiềm chế ở mức bình quân 15%, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn hơn đạt 7%. Ngân hàng thương mại chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi vay, bình quân 6-8% một năm.
Ông Chiểu góp ý, chính sách tiền tệ vẫn cần tập trung giảm tiếp lãi suất vay khi còn dư địa. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm có giải pháp huy động ngoại tệ và vàng trong dân. "Mỗi năm Việt Nam vẫn phải vay hàng tỷ USD để trả nợ trong khi nguồn vàng, ngoại tệ trong dân còn rất lớn", ông nói.
-
"Không vì lợi nhuận mà lơ là an toàn hàng không"
Đại biểu Đôn Tuấn Phong đề cập tới một số sự cố an toàn hàng không xảy ra liên tiếp vừa qua, như bung lốp máy bay, hạ cánh vào đường băng chưa khai thác...
Theo ông, sự cố hàng không có thể là thông thường hoặc nghiêm trọng, nguyên nhân do lỗi con người hay quy trình, kỹ thuật, nhưng dù sao đều gây không ít hoảng loạn cho hành khách. Do vậy, ông đề nghị các hãng không vì lợi nhuận mà lơ là an toàn hàng không; Bộ Giao thông Vận tải cần tăng cường giám sát an toàn hàng không, giám sát hãng hàng không đã để xảy ra sự cố, thậm chí có biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn nguy cơ sự cố tiếp theo.
-
Cứ 10 doanh nghiệp lập mới thì 5 doanh nghiệp lại 'chết'
Đại biểu Hoàng Văn Hùng đề cập đến tình trạng số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn lớn. Báo cáo Chính phủ cho thấy, năm 2018 khoảng 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, trong đó 63.000 chờ giải thể, phá sản. Như vậy, bình quân cứ 10 doanh nghiệp lập mới thì 5 đơn vị lại giải thể, phá sản.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính hay cắt bỏ điều kiện kinh doanh được đưa ra nhưng con số doanh nghiệp đóng cửa thực tế lại cho thấy sản xuất, kinh doanh gặp nhiều thách thức. Ông đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, xác định đúng nội dung doanh nghiệp cần, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách cơ học.
"Nếu không cải cách thực chất thì khó đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020", ông nói.
-
4.500 tỷ đồng đầu tư sân bay Điện Biên Phủ
Đại biểu Mùa A Vảng - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên nói hiện sân bay Điện Biên Phủ không đủ điều kiện mở tuyến bay đến các tỉnh, thành khác bằng máy bay cỡ lớn; chỉ có một hãng hàng không khai thác tuyến Hà Nội - Điện Biên với máy bay ATR72, hai chuyến mỗi ngày và giá quá cao không có tính cạnh tranh (1,9 triệu đồng cho một giờ bay).
"Tỉnh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ để đảm bảo nhu cầu đi lại và nhiệm vụ quốc phòng an ninh, nhưng đến nay chưa có cơ chế chính sách cụ thể đầu tư sân bay", ông Vảng nói.
Ông cho biết, tổng kinh phí đầu tư nâng cấp sân bay khoảng 4.500 tỷ đồng, trong đó đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường cất hạ cánh khoảng 2.500 tỷ đồng; tỉnh bố trí 1.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, 1.400 tỷ cần hỗ trợ của trung ương, còn lại của nhà đầu tư.
"Chúng tôi mong muốn được trung ương bố trí vốn, tạo cơ chế thuận lợi để sớm nâng cấp cảng hàng không Điện Biên Phủ", ông Vảng nói.
-
Thất thu thuế thu nhập cá nhân vì “nền kinh tế ưa dùng tiền mặt”
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế nêu thực trạng thất thu thuế thu nhập cá nhân. Theo bà, khi đưa ra khoản thuế này Chính phủ đã tính tới tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người, nhưng thực tế giai đoạn 2017-2018 khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân này không đạt mục tiêu.
"Việc quản lý thuế thu nhập cá nhân cho thấy chưa kiểm soát được nguồn thu nhập của các cá nhân, chỉ mới kiểm soát khoản thu từ tiền lương, tiền công; chưa kiểm soát được thu nhập từ cá nhân, kinh doanh tự do", bà Thơ nêu.
Nền kinh tế ưa dùng tiền mặt, theo bà Thơ là nguyên nhân khiến cơ quan thuế chưa kiểm soát được thuế thu nhập cá nhân. Vì thế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giải quyết được vướng mắc này.