-
11h30
Các bộ trưởng thể hiện bản lĩnh, không vòng vo né tránh
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã trả lời chất vấn, tranh luận của 14 đại biểu, còn 48 đại biểu đăng ký nhưng thời gian đã hết, đề nghị gửi lại văn bản để Phó thủ tướng trả lời.
Ông Vương Đình Huệ đánh giá sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi.
Tại kỳ họp, có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 112 lượt thực hiện quyền chất vấn, 49 lượt đại biểu tranh luận làm rõ vấn đề mình quan tâm. Các đại biểu trao đổi, tranh luận trách nhiệm cao, phản ánh sát thực tế, tâm tư, tình cảm của nhân dân. Nội dung hỏi và trả lời ngắn gọn, cụ thể, đối thoại thẳng thắn mang tính xây dựng. "Kỳ này chúng ta tận dụng đến từng phút một, không lãng phí thời gian Quốc hội dành cho phiên chất vấn", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá các bộ trưởng đều đã thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng ngành và lĩnh vực, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh vấn đề khó và phức tạp.
-
11h25
Thu hút FDI gặp khó khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực
Đại biểu Nguyễn Danh Tú cũng cho rằng thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra nhiều thách thức khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu đặt ra phải ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực, bảo đảm tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ta. Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng cho biết định hướng hành động và giải pháp cho vấn đề này.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết tháng 6/2021, nhóm G7 đạt thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15% nộp ở nước sở tại. Đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mức chênh lệch phải xử lý ở mặt bằng 15%. Tháng 7/2021, G20 cũng thống nhất về thuế tối thiểu toàn cầu và 138 nước trong khối OECD đã đạt thỏa thuận khung liên quan đến nội dung này. Theo Phó thủ tướng, Việt Nam tham gia thỏa thuận hợp tác quốc tế, đảm bảo hội nhập nhưng không bắt buộc.
Chính phủ, Quốc hội và bản thân Chủ tịch Quốc hội cũng rất quan tâm, đã tổ chức nhiều diễn đàn, có chỉ đạo sát sao về vấn đề này; thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động. Thường trực Chính phủ đã họp, đề xuất Thủ tướng, trình Quốc hội có giải pháp sớm nhất về những chính sách thuế hội nhập sâu rộng. Trong đó, việc thu thuế phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp nhà đầu tư và hài hòa lợi ích của quốc gia.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị) đặt vấn đề, triển vọng FDI vào Việt Nam không lạc quan khi luật thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024. Có chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt, đối xử các quốc gia khiến các hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam bị suy giảm hiệu quả. Ông đề nghị Phó thủ tướng nói rõ hơn về vấn đề này.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận đây là vấn đề thời sự, cần đánh giá khoa học, nghiêm túc, thực tiễn. Bởi khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến các cam kết thu hút đầu tư, nhất là về thuế. Vì vậy cần xử lý thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tất cả nhân tố tác động. "Việc thu hút đầu tư FDI đang gặp khó khăn do bối cảnh chung. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để thu hút FDI đạt hiệu quả cao nhất", ông Khái nói.
-
11h05
'Luật lệ chồng chéo là thách thức cho cán bộ thực thi công vụ'
Đại biểu Tô Văn Tám (Thường trực Ủy ban Pháp luật) cho biết, muốn nền công vụ quốc gia hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì hệ thống luật lệ, quy trình cần rõ ràng, đầy đủ và đồng bộ. Qua hai ngày chất vấn, ông thấy hệ thống luật lệ, quy trình, thể chế còn nhiều vấn đề. Theo báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực vẫn chưa được sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, xử lý triệt để phân công, phân quyền.
Thực trạng này đã gây khó khăn đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đồng thời là một thách thức cho cán bộ, công chức khi thực thi công vụ. "Đề nghị Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp căn cơ nào trong việc hoàn thiện thể chế luật lệ thời gian tới?", ông Tám chất vấn.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề hoàn thiện thể chế. Mỗi tháng Chính phủ đều họp chuyên đề bàn về thể chế, từ khâu đề xuất, quyết định văn bản pháp luật đến chất lượng thể chế. Đồng thời, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp khác như nâng cao chất lượng thẩm định, thực hiện nghiêm quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, phản biện, nhất là lắng nghe dư luận xã hội.
"Với những giải pháp như vậy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ thực hiện tốt hơn thời gian tới", Phó thủ tướng nói.
-
10h55
Gỡ vướng cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Đại biểu Sùng A Lềnh (Phó đoàn Lào Cai) nêu thực trạng thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoàng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là khi áp lực đáo hạn và trả lãi trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý 3 lớn nhất với 103.000 tỷ đồng.
Theo đại biểu, việc này gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin thị trường và nhà đầu tư nên việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu thấp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. "Đề nghị Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này? Quan điểm chỉ đạo và giải pháp căn cơ nào để thúc đẩy phát triển an toàn, lành mạnh thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp?", ông chất vấn.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị vướng xử lý trái phiếu có nguyên nhân đầu tiên là quản lý luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính chưa hợp lý. Một số trường hợp vi phạm, ngành công an đã điều tra, truy tố. Thị trường trái phiếu cũng chưa bền vững về cơ cấu, nghiêng về thị trường rủi ro như bất động sản. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 khó khăn về tài chính, nên thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng rất khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trái phiếu đến hạn thanh toán tính đến 31/12/2022 là 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó đáo hạn của năm 2023 là 290.000 tỷ đồng, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán. Bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân về pháp lý, cơ cấu sản phẩm như sản phẩm giá thấp ít, sản phẩm giá cao nhiều; năng lực chủ đầu tư.
Vừa qua, Thủ tướng lập tổ công tác do hai Phó thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra giải pháp. Khi hai tổ công tác này có báo cáo, Chính phủ sẽ chỉ đạo để gỡ khó cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động này minh bạch.
Theo ông Khái, trong quý 1, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã ổn định tình hình, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trên tinh thần doanh nghiệp có trách nhiệm theo hợp đồng dân sự, nhà nước tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy thực hiện cam kết theo nghĩa vụ, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi người dân, nhà đầu tư.
-
10h55
Cần thí điểm xây cầu cạn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản bác quan điểm "xây dựng cầu cạn thì giá thành cao". Ông phân tích xây dựng cầu cạn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều cái lợi vì khu vực này nhiều đồng trũng, ngập nước. Xây cầu cạn thu hồi đất ít, không gây trở ngại trong sản xuất nông nghiệp, không ảnh hưởng tới môi trường. Ông đề nghị cấp ngành liên quan nghiên cứu xây cầu cạn ở khu vực này.
"Nếu thấy khó thì cho thí điểm rồi rút kinh nghiệm, chưa xây mà đã sợ giá thành cao cùng các vấn đề khác thì không thuyết phục", ông nói.
Phó thủ tướng cho hay đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát, đá, vật liệu cho xây dựng công trình giao thông, xây dựng dân dụng nên cần phải tính toán giải pháp hiệu quả và phù hợp thực tế. Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tính đến thử nghiệm bằng cát biển còn đại biểu Hòa cho rằng xây cầu cạn khả thi hơn.
"Song cần có đánh giá, tính toán đầy đủ giữa phương án xây cầu cạn với làm đường cao tốc bình thường, về khai thác đất, về vật liệu xây dựng, giá trị khai thác, tác động môi trường", ông phân tích, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có đánh giá kỹ để đề xuất lên Chính phủ.
-
10h50
Đại biểu lo lương tăng, giá cũng tăng
Đại biểu Triệu Thị Huyền băn khoăn về giải pháp tổng thể về điều hành giá thời gian tới để kiểm soát lạm phát, tránh hiệu ứng "tăng lương giá cũng tăng"? Bà lo ngại lương cơ sở tăng từ 1/7 khiến giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới cũng tăng.
Ông Khái cho biết điều hành giá là nghệ thuật "cần sự uyển chuyển", tuân theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước, đặc biệt quan tâm tới đời sống lao động, đồng bào vùng sâu vùng xa. Điều hành giá phải căn cứ vào tín hiệu thị trường mà thị trường thì thay đổi hàng ngày. Ví dụ như xăng dầu cần có kịch bản, nắm bắt thị trường để điều hành, đáp ứng nhu cầu, mục tiêu Quốc hội giao, như năm ngoái CPI là 4% và năm nay 4,5%.
Muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung cầu, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu. Với mặt hàng nhà nước định giá thì phải giữ được giá, còn lại mặt hàng không định giá thì theo thị trường nhưng phải niêm yết, kiểm tra yếu tố hình thành giá. "Chúng tôi đã tính toán kỹ, tới tháng 7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì giá cũng sẽ không thay đổi nhiều nhưng vẫn phải hết sức quan tâm để điều hành giá sao cho CPI không vượt 4,5%", ông Khái cho hay.
-
10h45
Giải pháp nào cho hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc?
Đại biểu Vương Thị Hương nêu thực trạng hàng trăm nghìn lao động mất việc, bị cắt giảm giờ làm. Bà đề nghị Phó thủ tướng cho biết định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng này thời gian tới?
Ông Khái cho hay 5 tháng đầu năm có 510.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279.000 lao động bị thôi việc, mất việc; chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng... Tình trạng xảy ra ở các thành phố lớn có khu công nghiệp, chế xuất, đông công nhân.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Điều quan trọng là doanh nghiệp cải thiện được tình hình sản xuất thì lao động mới có việc làm; đảm bảo quyền lợi cho lao động trong thực thi chính sách về BHXH, BHTN, BHY; tăng cung cầu, giới thiệu việc làm.
Ông đề nghị bộ ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, quản lý, tránh việc thông tin không đúng, kích động lôi kéo người lao động ồ ạt đi rút BHXH một lần.
-
10h45
Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Phó đoàn Quảng Ninh) cho rằng muốn chống tham nhũng tiêu cực phải kiểm soát quyền lực. "Vậy đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực", nữ đại biểu chất vấn.
Phó thủ tướng cho rằng qua tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, một trong những bài học kinh nghiệm lớn là phải kiểm soát quyền lực, b,ởi quyền lực có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát, tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. "Kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ kịp thời, phát hiện ngăn ngừa xử lý các sai phạm", Phó thủ tướng nói.
Ông Khái cho rằng nguyên nhân sâu xa là chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến suy thoái tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, nên dẫn đến tham nhũng. Trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng là kiểm soát quyền lực với cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần yêu cầu phải thiết lập cho được "cơ chế kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế".
Về giải pháp, ông Khái cho rằng phải hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định chức năng, quyền hạn của mỗi cơ quan trong cả hành pháp, tư pháp và lập pháp; đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra truy tố, xét xử; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi trách nhiệm của người có chức vụ quyền hạn; đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch.
"Với người có chức vụ, quyền hạn phải tự sửa, kết hợp chặt chẽ cơ chế kiểm soát của Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức đoàn thể, báo chí", Phó thủ tướng nói.
-
10h35
Sớm khởi động dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành
Về cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết dự án này sử dụng vốn OAD nhưng cơ chế phân bổ vốn chưa được thuận lợi. Dự án dừng từ năm 2019, chủ yếu vướng về nguồn vốn.
Theo ông Khái, muốn triển khai dự án này phải có vốn nhưng ngân sách nhà nước không được bố trí mà phải dùng nguồn vốn hợp pháp khác, trong khi đàm phán ODA đang gặp khó. Nếu dùng tiền thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thì có cơ chế riêng để đáp ứng trả nợ 5 dự án vay vốn của đơn vị này.
"Vừa rồi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt. Tôi nghĩ phải tính toán kỹ về cơ chế nguồn vốn và đàm phán lại các nhà đầu tư để khởi động lại dự án sớm nhất có thể. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói với tôi là có thể trong tháng 7, nhưng tôi không dám hứa. Chính phủ sẽ tích cực, nỗ lực để có nguồn vốn cho dự án sớm nhất có thể", ông Khái nói.
Trước đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM) nói dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Bà đề nghị Bộ trưởng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ đối với dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn trong nguồn vốn đối ứng. Trong khi đó, nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân được. Việc này dẫn đến khi hiệp định hết hạn không gia hạn được. Để tháo gỡ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn và VEC trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án tháo gỡ vấn đề tài chính.
Hiện các vướng mắc đã được giải quyết. Vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ cấp, các nhà thầu đã thi công lại. Các đoạn tuyến sử dụng vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý 1 và 2, còn hai cây cầu toàn tuyến hoàn thành chậm nhất quý 3/2025.
"Ngồn vốn cơ bản được tháo gỡ, các đơn vị đang phối hợp chuẩn bị chương trình thủ tục, điều chỉnh dự án để tiếp tục", ông nói.
Nói thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nguyên nhân về vốn như Bộ trưởng Thắng nói "chỉ là một phần". Qua thị sát, ông Huệ thấy vướng mắc mấu chốt hiện nay là việc khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi việc thi công phải dừng, nghỉ. Họ yêu cầu đền bù rất nhiều. "Chưa giải quyết được việc này thì tiến độ dự án còn tiếp tục chậm", ông Huệ lo ngại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó thủ tướng Lê Văn Khái trả lời thêm về hướng tháo gỡ dự án.
-
10h30
Không để mua đi bán lại các mỏ cát xây dựng
Trả lời về chủ trương lấy cát biển làm vật liệu xây dựng, Phó thủ tướng cho biết vì triển khai cao tốc nhiều nên nhu cầu sử dụng vật liệu cao, cần cơ chế đặc thù cho việc khai thác cát. Các dự án này Chính phủ trong thẩm quyền đã có nghiên cứu, Thường vụ cũng đã có cơ chế cho phép khai thác cho các dự án trọng điểm quốc gia, để chủ đầu tư trực tiếp khai thác.
Ông Khái nêu quan điểm làm nhanh nhưng phải bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác mỏ và công tâm, minh bạch vì lợi ích chung, không để mua đi bán lại các mỏ cát, chống lợi ích nhóm trong thực hiện các cơ chế đặc thù này.