Sáng 11/9, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nhiều địa phương đã giới thiệu kinh nghiệm tốt thuộc lĩnh vực này.
Trong đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ, mỗi năm thành phố phải giải quyết 14 triệu hồ sơ nhưng chỉ 2% trễ hẹn.
Lãnh đạo UBND TP HCM giới thiệu 2 giải pháp cải cách tại sở ngành, quận huyện đã được thành phố nghiên cứu, triển khai có hiệu quả.
Cụ thể, TP HCM đang thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Quy trình này cho phép Sở thực hiện đồng thời cả 3 thủ tục như thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng.
Sở Xây dựng cũng có thể liên thông điện tử với các cơ quan quản lý liên quan để trao đổi thông tin, nhằm bảo đảm sự phù hợp của công trình xây dựng với lĩnh vực chuyên ngành. Quy trình này đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của các thủ tục hành chính trên xuống còn 42 ngày làm việc (so với 122 ngày theo quy định).
Đến nay, tỷ lệ hồ sơ cấp giấy phép xây dựng theo quy trình liên thông đã chiếm 31, 2% tổng số hồ sơ TP HCM tiếp nhận và giải quyết.
Giải quyết thủ tục hành chính qua điện thoại di động
Cũng theo lãnh đạo TP HCM, quận Bình Thạnh đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục trong lĩnh vực quản lý đô thị. Người dân trên địa bàn chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại di động và sẽ được hỗ trợ (thông qua tính năng của ứng dụng) dịch vụ công trực tuyến, như: nộp hồ sơ cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép đào đường, vỉa hè...
"Với ứng dụng này, người dân nộp hồ sơ trực tuyến dễ dàng bằng điện thoại thông minh, tra cứu tình trạng hồ sơ qua mạng hoặc nhắn tin điện thoại để biết tiến độ giải quyết của từng hồ sơ", ông Tuyến nói.
Khi cần tra cứu quy hoạch, người dân Bình Thạnh chỉ cần cung cấp thông tin phường, số tờ, số thửa, sẽ có được ngay kết quả nhà đất nằm trong quy hoạch gì, lộ giới thế nào, thay vì phải nộp đơn đề nghị cấp chứng chỉ quy hoạch theo quy trình giải quyết 10 ngày như trước kia.
Đồng thời, ứng dụng còn hỗ trợ người dân phản ánh tình trạng vi phạm về vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép. Khi người dân phát hiện vi phạm, chỉ cần chụp ảnh, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi và gửi tin. Trong vòng 2 giờ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xử lý và phản hồi trực tiếp kết quả trên hệ thống để người dân biết, giám sát.
Thứ trưởng Công Thương phải xin nghỉ nửa ngày để nộp hồ sơ
Bên cạnh những kết quả, cách làm sáng tạo, ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông, cho rằng việc giải quyết thủ tục hành chính thời gian qua còn bất cập. Người dân phải nhiều lần liên hệ với nhiều cơ quan mới hoàn thiện hồ sơ.
Một số cán bộ có hành vi thiếu chuẩn mực, thờ ơ, sách nhiễu khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính khiến tổ chức, cá nhân phải chờ đợi. Có nơi cán bộ móc ngoặc với bên thứ ba để trục lợi của người dân, doanh nghiệp. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn còn hạn chế, ít người sử dụng.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhận xét, người dân hiện vẫn phải tự đến nộp và nhận hồ sơ mất nhiều thời gian. “Tôi phải xin nghỉ nửa ngày nộp hồ sơ và nửa ngày nữa nhận hồ sơ ở phường. Vì trung tâm hành chính phường chỉ làm việc giờ hành chính”, ông Khánh kể và đề xuất cho phép thành lập công ty dịch vụ để hướng dẫn, nộp và trả hồ sơ cho người dân.
"Có thể bắt đầu loại hình dịch vụ này từ hệ thống Bưu điện Việt Nam bởi điểm bưu điện đang có đến tận cấp xã", ông nói.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng mục tiêu của chính quyền điện tử là khuyến khích người dân thực hiện thủ tục trực tuyến, không phải qua dịch vụ trung gian sẽ tốn kém thêm. Ông ủng hộ lập các tổ chức tự nguyện hỗ trợ người dân làm thủ tục; còn công ty dịch vụ thì cần nghiên cứu thêm.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2018 và khai trương trước ngày 1/11/2019.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng, đưa vào vận hành Cổng thanh toán tập trung kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán trực tuyến.
“Làm tốt công tác tuyên truyền để thực hiện có hiệu quả các giao dịch trực tuyến như TP HCM; cần có giải pháp để người dân ở trung tâm đô thị sử dụng các giao dịch trực tuyến ngày càng nhiều hơn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.