Ngày 4/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thông điệp trên và cho hay "cuộc chiến này còn dài".
Dịch bệnh ở Đà Nẵng là "lời cảnh báo nghiêm khắc" cho tất cả bệnh viện, địa phương, các ngành, các cấp, Phó thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết từ kết quả xét nghiệm kháng thể 5.000 mẫu thu thập trong khu cách ly và cộng đồng có căn cứ xác định "các mẫu bị nhiễm vào đầu tháng 7". Ổ dịch ở Đà Nẵng khởi phát trong thời gian này.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, cũng nói Hà Nội, TP HCM và một số cơ sở y tế lớn chưa phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng, trừ người liên quan Đà Nẵng. "Như vậy, chưa có bằng chứng khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng", ông Phu nêu quan điểm.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay dịch tại Đà Nẵng có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 hoặc từ 8 đến 12/7. Nguồn lây đều từ khu vực 3 bệnh viện (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C cùng Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng)... Virus lần này đã đột biến nên dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.
Thời gian tới, Bộ Y tế tập trung hỗ trợ Quảng Nam chống dịch như đã làm với Đà Nẵng. Bộ sẽ "tăng quân" vào khu vực này, đẩy nhanh tiến độ truy tìm ca lây nhiễm cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Với những biện pháp trên, ông Long hy vọng sẽ sớm dập dịch, giảm thiểu tối đa người tử vong.
Sau khi nghe các ý kiến, Ban chỉ đạo thống nhất nhận định "tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát". Những ngày tới, ca nhiễm trong cộng đồng còn có thể tiếp tục được phát hiện.
Việt Nam với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài 4.000 km nên nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực trong cộng đồng, vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức, xã hội. Đất nước vẫn phải sản xuất, kinh doanh, giải trí nhưng trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch.