Sáng 27/6, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến chỉ thị số 10 của Thủ tướng về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, thời gian qua, việc phòng chống tham nhũng có bước tiến rõ rệt, nhiều vụ án lớn bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng "tham nhũng vặt" biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc và làm xói mòn niềm tin của người dân.
"Có người nói đa số cán bộ làm việc tốt, có trách nhiệm, chỉ một bộ phận hư hỏng gây ra tình trạng nhũng nhiễu. Nhưng tôi thấy bộ phận này lại không nhỏ, rải rác khắp nơi, ở nhiễu lĩnh vực, ngành nghề, địa phương", Phó thủ tướng nêu.
Ông cho hay, dư luận phản ánh người dân, doanh nghiệp phải đưa phong bì lót tay mới được giải quyết công việc, còn không đưa tiền thì không làm. Nhưng có người đưa tiền rồi vẫn không được giải quyết. "Thực trạng này có thể là do bôi trơn chưa đủ hoặc cán bộ biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn nhận tiền lót tay mà không giải quyết", ông Bình nói.
Theo Phó thủ tướng, "tham nhũng vặt" tràn lan hiện nay do những cán bộ, công chức có phẩm chất không tốt; và một nguyên nhân khác là thói quen đưa hối lộ, lót tay vẫn còn tồn tại trong xã hội.
Cùng với kêu gọi toàn xã hội phát động phong trào lên án hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, Phó thủ tướng cho hay mới đây Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về việc xử lý, ngăn chặn nhũng nhiễu, với quyết tâm thay đổi căn bản thực trạng này.
Ông nêu rõ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu của cấp dưới. Chính phủ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người dân; tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến...).
"Các trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính", ông nhấn mạnh và cho biết thêm, Chính phủ đề ra mục tiêu đến 2030 giảm số công chức vòi vĩnh, đòi hối lộ khi giải quyết công việc của người dân xuống dưới 10% (phấn đấu giảm thấp hơn nữa); giảm số công chức vòi vĩnh doanh nghiệp xuống dưới 5%.
Thời gian tới, Phó thủ tướng lưu ý các cơ quan chức năng cần tập trung chống "tham nhũng vặt" ở những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, hải quan, quản lý đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành, cơ sở khám bệnh...
"Những vụ việc gần đây gây bức xúc dư luận đều liên quan đến lĩnh vực này, từ việc cán bộ phường vòi vĩnh khi người dân xin cấp chứng tử, khai sinh; cảnh sát giao thông nhận tiền để bỏ qua lỗi vi phạm; cho đến cán bộ hải quan đòi tiền doanh nghiệp...", ông dẫn chứng.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) dẫn số liệu khảo sát cho hay, cứ 10 doanh nghiệp thì có hơn 5 doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, 6 doanh nghiệp bị nhũng nhiễu.
Theo ông Lộc, một trong những nguyên nhân khiến "tham nhũng vặt" phổ biến là nhiều quy định pháp luật còn chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. "Đây là kẽ hở cho cán bộ nhũng nhiễu", ông nói và kiến nghị Chính phủ cần tổng rà soát các văn bản liên quan đến kinh doanh để sửa đổi những quy định chồng chéo, bất hợp lý, thiếu minh bạch; xoá bỏ cơ chế xin cho.
Đề cập đến sự nguy hại của tham nhũng vặt, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện dẫn lời người xưa rằng "con đê ngàn dặm có thể bị phá bởi những tổ mối rất nhỏ".
"Chúng tôi rất đau xót khi người dân phản ánh tham nhũng vặt xảy ra ở mọi nơi, từ làm giấy khai sinh, xin nhập học, đi chữa bệnh...", bà Hải nói và cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền được hưởng dịch vụ hành chính công mà không phải lót tay, chấm dứt thói quen "để quà trong hồ sơ" để được giải quyết nhanh.
Cùng với đó, các cơ quan tập trung tinh giản biên chế, đưa ra chế độ đãi ngộ, lương, thưởng cao với những cán bộ, công chức có năng lực tốt, tận tâm phục vụ người dân.
Ngoài ra, theo bà Hải, vụ thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt vì nghi nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc mới đây cho thấy công tác "chống tham nhũng ngay trong đội ngũ phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng". Người dân đang trông chờ xem vụ này được giải quyết ra sao, để từ đó răn đe, làm gương cho những cán bộ khác.
Tháng 4/2019, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, chỉ thị đề ra 5 nhóm giải pháp; đầu tiên là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ...