"Các giải pháp cần được tính toán một cách tổng thể, đồng bộ cả trung ương và địa phương. Việc đầu tư phải 'ra tấm, ra món', làm cắt khúc rất lãng phí", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói tại buổi làm việc với hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau - hai địa phương có tỷ lệ sạt lở bờ biển cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 11/8, sau khi kiểm tra thực địa một số khu vực.
Theo thống kê, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm tại Cà Mau là gần 84 km, trong đó bờ biển Tây là 22 km còn bờ Biển Đông gần 62 km. Tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425 km trên tổng số 8.118 km.
Tại tỉnh Bạc Liêu, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, trong đó tính từ năm 2015 đến tháng 7/2020, tổng chiều dài sạt lở gần 4 km, ảnh hưởng hàng trăm hộ dân. Tỉnh đã xác định có 50 danh mục cần đầu tư đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến hơn 28.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Chính phủ, việc đầu tư phải được xếp thứ tự ưu tiên, dự án nào cấp bách thì làm trước. Đồng thời, chính quyền địa phương cần kiên quyết di dời người dân ở vùng sạt lở, nguy cơ và chăm lo sinh kế cho họ. Bên cạnh đó, các bộ ngành, cơ quan quan chuyên môn cần có dự báo càng sớm càng tốt và chính xác về sạt lở. "Việc này không tốn nhiều tiền nhưng nếu làm không tốt sẽ gây thiệt hại lớn, kể cả sinh mạng của người dân", ông lưu ý.
Đối với nguồn kinh phí, Phó thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc của cả Trung ương và địa phương. Về phía địa phương, cần chuẩn bị thật kỹ hồ sơ các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau năm 2025, đồng thời huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách, kể cả nhân công.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các địa phương hoàn thiện các dự án đầu tư sao cho đồng bộ với Đề án chống sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ đang xây dựng và dự kiến trình Chính phủ trong quý 4 năm nay.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để địa phương thực hiện 5 dự án cấp bách như kè sông, đê, tái định cư,... Về lâu dài, ông kiến nghị Trung ương có giải pháp căn cơ để phòng, chống sạt lở.
Tương tự, tại Cà Mau sạt lở ven biển cần xử lý ngay có chiều dài hơn 21,5 km với nhu cầu vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Sạt lở ven sông dài 5,7 km, với nhu cầu vốn 684 tỷ đồng; sụt lún trên 700 điểm, với chiều dài hơn 16 km, nhu cầu vốn 17,5 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ đang làm đề án phòng, chống sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn, và đang lấy ý kiến các địa phương. Trong đó, có đưa ra các giải pháp về công trình, phi công trình, vốn, cơ chế chính sách.
Theo ông Hiệp, tình hình sạt lở bờ biển Đông ngày càng nghiêm trọng hơn ở Bạc Liêu và Cà Mau. Việc làm kè để phòng, chống sạt lở ở bờ biển Đông kinh phí khá lớn. "Làm một km kè cứng cả trăm tỷ đồng, còn kè mềm cũng khoảng 60 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu tư so với bờ biển Tây", ông Hiệp nói, cho biết Bộ đang nghiên cứu để giảm nguồn đầu tư.
Chúc Ly