“Với thị trường 90 triệu dân, Việt Nam là thiên đường của khởi nghiệp, phát triển. Cơ hội khởi nghiệp lớn như vậy sao không nắm bắt?”
Câu hỏi này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra với 500 doanh nghiệp tư nhân tham dự Diễn đàn doanh nghiệp tư nhân lần thứ nhất, chiều 3/6.
Chủ trì diễn đàn lần này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ những lo ngại của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nhưng ông cũng hối thúc khu vực doanh nghiệp này hãy mạnh dạn đổi mới, cải cách và sáng tạo nếu không muốn tụt lại trong quá trình hội nhập.
“Quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội phát triển với thị trường hơn 90 triệu dân. Thậm chí, họ còn cho rằng Việt Nam là một thiên đường khởi nghiệp, thiên đường phát triển. Cơ hội khởi nghiệp lớn như vậy sao không bắt đầu?”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nay Việt Nam có hơn 900.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng thực tế chỉ có hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoat động. Mục tiêu của Chính phủ là 4 năm nữa Việt Nam có ít nhất một triệu doanh nghiệp.
Ông khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế phát triển.
“Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ nâng cao quản trị quốc gia, ngược lại Chính phủ cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao quản trị doanh nghiệp. Có như thế mới tạo ra thế win - win, tạo ra sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh vươn tầm khu vực, thế giới”, Phó thủ tướng chia sẻ quan điểm.
Lời gợi mở của Phó thủ tướng như càng nhen lên tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân tham dự diễn đàn. Dù vậy, cũng không ít những lo lắng được các CEO doanh nghiệp nêu lên.
Đề cập tới câu chuyện “sức khoẻ” của doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào hội nhập, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen không ngần ngại nói thẳng, hội nhập đem lại nhiều vận hội cho các doanh nghiệp, nhưng cũng là “phép thử” năng lực mà không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng vượt qua.
Theo ông Vũ, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dù đã có nhiều tiến bộ nhưng thực tế vẫn còn tụt hậu về nhiều mặt do các đối tác đã đi trước và đang cải cách nhanh, mạnh hơn Việt Nam. Cụ thể những điểm yếu của doanh nghiệp như năng suất lao độn, tác phong công nghiệp… sẽ càng bộc lộ khi doanh nghiệp hội nhập vào sân chơi lớn toàn cầu.
“Càng hội nhập doanh nghiệp càng lộ rõ yếu kém. Nhưng chúng tôi nhận thức rằng bây giờ hoặc không bao giờ chúng tôi nắm bắt cơ hội. Hội nhập là cơ hội lớn nhất để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển và đuổi kịp khu vực và quốc tế”, ông Vũ nói, đồng thời nhấn mạnh, hội nhập là vận hội của quốc gia nếu vận dụng hữu hiệu. Trái lại nó sẽ là nguy cơ tụt hậu nếu chúng ta mải mê với thành tựu. Vì thế hội nhập đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp phải liên tục cải cách, liên tục hoàn thiện.
“Dù doanh nghiệp có thể lấy năng động thắng quy mô, sáng tạo thắng sự chuyên nghiệp nhưng doanh nghiệp không thể phát triển thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ”, CEO Tôn Hoa Sen tiếp lời.
Lo lắng của CEO Tôn Hoa Sen nhận được sự đồng tình từ Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà. Theo Thứ trưởng Hà, với 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết với mức độ tự do hoá cao, các doanh nghiệp trong nước, đặt biệt là các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp không nên ngần ngại trước “phép thử” của độ mở hội nhập.
Dù thế, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam - ông Haike Manning khuyên, các doanh nghiệp Việt nên tập trung khai thác cơ hội, hơn là lo lắng về thách thức, bởi Việt Nam đang đứng trước “thời điểm vàng” để tận dụng các cơ hội vươn ra thế giới.
Về năng lực cạnh tranh, Đại sứ New Zealand nhấn mạnh, nếu chỉ cạnh tranh về giá doanh nghiệp Việt sẽ thua. “Cạnh tranh ở đây phải bao gồm cả về thị trường, chất lượng sản phẩm, chuỗi cung ứng và phân phối”, vị Đại sứ nói.