Giải thưởng Quả cầu vàng năm nay được xét trao ở 4 lĩnh vực công nghệ: thông tin và truyền thông, môi trường, sinh học và y dược.
Qua 2 vòng đánh giá, Hội đồng giải thưởng bình chọn được 10 tài năng trẻ tiêu biểu (Thông tin và truyền thông: 2; Y- dược: 3; Sinh học: 3; Môi trường: 2) để trao giải thưởng Quả cầu vàng. Trong số các cá nhân nhận giải có một người là nữ (TS Nguyễn Thị Phương Nhung - ĐH Dầu khí Việt Nam) và 2 cá nhân người dân tộc (Thạc sĩ Phạm Văn Anh, dân tộc Mường, giảng viên ĐH Tây Bắc; kỹ sư Phan Huỳnh Lâm, dân tộc Tày, ĐH Bách khoa TP HCM).
Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật được trao cho 20 nữ sinh viên xuất sắc của các trường đại học. Các em đều có kết quả học tập trung bình 7,92 điểm trở lên, môn chuyên ngành khá, giỏi, hoạt động cộng đồng tích cực. Đây là năm đầu tiên phần thưởng được mở rộng thêm ở lĩnh vực Điện - điện tử và cơ khí, là những ngành học mà sinh viên nữ còn hạn chế.
Thay mặt các tài năng trẻ, TS Nguyễn Thế Hân (ĐH Nha Trang) cho rằng giải thưởng trên mới là bước khởi đầu của quá trình chinh phục đỉnh cao tri thức. Vị giảng viên kiêm Phó bí thư Đoàn trường mạnh dạn đưa ra hai đề xuất để giải thưởng có thể đi vào chiều sâu, trở thành nơi cho các sáng kiến về kỹ thuật hội tụ. Đó là các bộ, ngành cần có thêm nhiều quỹ tương tự để cán bộ, sinh viên có cơ hội tiếp cận nguồn kinh phí thực hiện những đề tài bấy lâu họ ấp ủ; đồng thời, các cơ sở Đoàn cần tạo ra nhiều sân chơi khoa học thực sự để đoàn viên được tham gia sáng tạo chứ không phải là những hoạt động mang tính phong trào.
Chia sẻ nỗi trăn trở của các tài năng trẻ "Phải làm sao để hải quân mạnh hơn nữa? Làm sao để người Việt có thể chế tạo ra con ốc vít đúng tiêu chuẩn chỉ với giá 7 đồng?", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đất nước không thể giàu mạnh được nếu không phát triển khoa học kỹ thuật.
Ông nêu thực tế rằng đất nước ta phải trải qua thời gian dài dồn sức để bảo vệ chủ quyền. Nay hòa bình, chúng ta ra sức phấn đấu thì các dân tộc khác trên thế giới cũng vậy. Người Việt Nam còn yếu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Muốn đuổi kịp họ thì nhất định phải phát triển lĩnh vực này. Phó thủ tướng đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ Việt Nam mình cứ bị tụt hậu mãi hay sao?".
"Sau này, các bạn có thể thành đạt, giàu có, được tôn vinh, được trọng dụng, nhưng vinh quang chỉ trọn vẹn khi mình là công dân một đất nước độc lập và giàu mạnh", ông nhắc nhở.
Cũng theo Phó thủ tướng, nhiều tài năng hôm nay thành công ở độ tuổi không còn trẻ nữa. Nhưng tuổi tác không quan trọng mà phải trẻ trong suy nghĩ, trong nhận thức, đừng già trước tuổi. Ông lấy câu nói "Tôi không muốn chết ở tuổi 25 và chôn ở tuổi 75" để nhắc nhở thế hệ trẻ đừng bao giờ nghĩ mình chưa đủ chín chắn, sợ mình chưa có kinh nghiệm mà ngại phát biểu, ngừng sáng tạo.
Quả cầu vàng là Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên diễn ra lần đầu tiên năm 2003, do Trung ương Đoàn và Bộ KH&CN tổ chức. Giải thưởng đã trở thành sân chơi của các các nhà khoa học trẻ và thế hệ thanh thiếu niên tài năng, đam mê khoa học công nghệ. Hơn 100 tài năng trẻ đặc biệt xuất sắc đã được nhận giải thưởng, nhiều "Quả cầu vàng" đã thành công và giữ các cương vị quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp.
Hoàng Phương