-
Lãnh đạo Chính phủ cùng các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ
Ngày hội với chủ đề "Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng" chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), được tổ chức tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ,18 Nguyễn Du, Hà Nội.
Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành... đã tham quan các gian hàng giới thiệu kết quả khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của các khối doanh nghiệp khởi nghiệp, viện, trường.
Thăm các gian hàng cả Phó thủ tướng và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đều đề nghị được xem trình diễn ứng dụng sản phẩm trong thực tế và mong muốn các đơn vị quan tâm hơn đến việc thương mại hóa đưa sản phẩm ra thị trường.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu thăm khu vực trưng bày thành tựu khoa học công nghệ chiều 16/5. Ảnh: TTTT
Ngày hội năm nay được tổ chức trong bối cảnh ngành khoa học công nghệ tập trung triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Nghị quyết xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, điều kiện tiên quyết và thời cơ tốt nhất để Việt Nam bứt phá, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Sự kiện dự kiến có sự góp mặt của hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước, cùng đại diện Chính phủ, cơ quan quản lý. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chia sẻ các định hướng để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới.
Gian hàng giới thiệu thành tựu khoa học công nghệ tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy
-
14h40
Thứ trưởng Bùi Thế Duy giới thiệu chương trình
"Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5" với chủ đề "Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng" năm 2025, bắt đầu với tiết mục nghệ thuật chào mừng bằng bài hát Việt Nam ơi
Mở đầu chương trình, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy gửi lời chào tới các khách mời đến tham dự cũng như giới thiệu đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương. Ông nhấn mạnh Chương trình lần này được tổ chức nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy giới thiệu chương trình buổi lễ. Ảnh: Giang Huy
-
14h50
'Bộ Khoa học và Công nghệ là 5 ngón tay trên một bàn tay'
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phát biểu mở đầu chương trình.
Theo Bộ trưởng, khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. "Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm, tôn vinh, đặc biệt là cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước", Bộ trưởng nói.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Bộ trưởng cho rằng, mỗi cán bộ ngành Khoa học và Công nghệ đều hết sức tự hào và tri ân sâu sắc công lao, trí tuệ và sự cống hiến thầm lặng của các thế hệ cha anh đi trước đã đặt nền móng vững chắc cho những thành tựu hôm nay - những thành tựu đã góp phần làm nên diện mạo Việt Nam tươi sáng hơn, mạnh mẽ hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc. Ảnh: Giang Huy
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Khoa học công nghệ đang được sửa đổi thành Luật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, Bộ trưởng chia sẻ 10 đổi mới mang tính cách mạng của dự Luật này:
Thứ nhất, khoa học công nghệ là nền của một quốc gia. Khoa học công nghệ mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. Khoa học công nghệ mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc khoa học công nghệ. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có khoa học công nghệ phát triển.
Thứ hai, khoa học, công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả. Bộ KH&CN có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ KHCN, đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực.
Thứ tư, chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40-50% để
thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.Thứ năm, khoa học công nghệ thay vì ở trên trời, đi từ trời xuống đất thì phải có một chiều nữa là đi từ đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học. Thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, thì lần này tập trung vào một chiều mới là lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan.
Thứ sáu, chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của nhà nước, việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ (đội ngũ giáo viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh).
Thứ bảy, chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Thứ tám, cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Các nghiên cứu khoa học XH, NV có tác động đến phát triển của quốc gia, nhân loại không kém gì các nghiên cứu khoa học tự nhiên. Các nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn hướng tới sự phát triển của xã hội, con người. Sự kết hợp liên ngành KH tự nhiên và KH xã hội để đảm bảo các công nghệ phát triển gắn với bảo vệ các giá trị đạo đức cốt lõi của nhân loại.
Thứ chín, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian, trung tâm ĐMST, các quỹ NCPT, quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thứ mười, chuyển đổi số toàn diện hoạt động khoa học công nghệ và quản lý khoa học công nghệ. Các tổ chức NCPT sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10-15 năm. Chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đại biểu thăm các gian hàng giới thiệu kết quả nghiên cứu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, những nhà KHCN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nhân loại phải được tôn vinh muôn đời. Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà KHCN có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới. Giống như các quốc gia có nghĩa trang danh nhân, nghĩa trang nhà khoa học nổi tiếng.
"Việt Nam sẽ phát triển để trở thành nước XHCN phát triển có thu nhập cao, với GDP/người 20.000-25.000 USD vào năm 2045. Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam, và qua đó mà KHCN của nước nhà phát triển, đất nước phát triển", Bộ trưởng nói.
Ông nói thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ bây giờ là 5 ngón tay trên một bàn tay: Khoa học công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo, Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Chuyển đổi số. Khoa học công nghệ là cái máy cái sản xuất ra tri thức; Sở hữu trí tuệ là biến cái tri thức đó thành tài sản để giao dịch được, tạo thành trị trường tài sản trí tuệ, giúp cho tri thức ra khỏi phòng thí nghiệm và đi xa được; Đổi mới sáng tạo là mang cái trí ấy sáng tạo ra sản phẩm, của cải cho xã hội; Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng là sự đảm bảo hình hài, chất lượng cho sản phẩm hàng loạt; Chuyển đổi số là môi trường mới, mảnh đất mới, công cụ mới cho sự phát triển. "5 ngón tay này là một chỉnh thể toàn diện cho khoa học công nghệ phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
-
15h15
Nông dân cần được tiếp cận công nghệ, thị trường, tri thức
Chương trình bước sang phần hai với các chia sẻ thực chiến từ những người làm nghiên cứu và doanh nghiệp.
Là người phát biểu mở màn, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần công nghệ Hachi Việt Nam, đại diện khối Doanh nghiệp nói về câu chuyện của lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Hương cho biết, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, già hóa lao động nông thôn và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
Trong hành trình ấy, người nông dân không thể đứng một mình. Họ cần được tiếp cận với công nghệ, với thị trường, với tri thức, đặc biệt là với những mô hình nông nghiệp thông minh, chi phí phù hợp, dễ tiếp cận.
Đây chính là sứ mệnh mà Hachi theo đuổi suốt 8 năm qua - với tư cách là một startup công nghệ nông nghiệp được ươm tạo từ Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với Biến đổi khí hậu (VCIC), thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ.
Công ty đã học hỏi mô hình từ các quốc gia phát triển, ứng dụng vào các đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng riêng của Việt Nam. Bằng việc ứng dụng tự động hóa 90%, tích hợp IoT, AI, cảm biến dinh dưỡng và ánh sáng, Hachi đã đưa các công nghệ nông nghiệp tiên tiến từ Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy
Bà Hương nhấn mạnh, sau 8 năm, Hachi đã triển khai hơn 250 mô hình nhà kính thông minh từ đồng bằng đến vùng cao, từ đô thị đến biên giới. Đặc biệt là các mô hình nhà màng chi phí thấp kết hợp nền tảng điều khiển khí hậu qua smartphone, giúp nông dân tại Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang có thể trồng dưa lưới, dược liệu, rau sạch quanh năm, bất chấp thời tiết. Từ nông dân truyền thống, họ trở thành "người điều hành farm số" chỉ bằng một nút chạm.
Ngoài ra, công ty còn phát triển các mô hình smart indoor farm, farm trồng sâm công nghệ cao, và chuỗi farm đạt chuẩn xuất khẩu, hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị cao, xanh, sạch và bền vững.
"Chúng tôi tin rằng việc tiếp cận công nghệ không chỉ là đặc quyền của những người có điều kiện mà phải là cơ hội dành cho tất cả, đặc biệt là những nhóm yếu thế", bà Hương nói.
Hachi cũng cam kết xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh hướng đến tính bao trùm, tạo điều kiện cho phụ nữ, thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số chủ động làm chủ tri thức, công nghệ và sinh kế bền vững. Khi công nghệ chạm đến tay người nông dân, đó không chỉ là chuyển đổi số mà còn chuyển đổi niềm tin, là sự phục hồi của tinh thần nông dân, là niềm tự hào làm nông nghiệp thời đại mới.
Bà Hương cũng đại diện nhóm doanh nghiệp kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư và cả cộng đồng cùng lan tỏa những mô hình nông nghiệp đổi mới sáng tạo đặc biệt là những mô hình có tính bao trùm để mỗi người nông dân, dù là phụ nữ, người trẻ hay người dân tộc thiểu số, đều có cơ hội tiếp cận nền nông nghiệp 4.0 theo cách riêng của họ.
Giám đốc vận hành Công ty cổ phần công nghệ Hachi Việt Nam khẳng định trí tuệ Việt, đổi mới sáng tạo và công nghệ xanh trở thành lực đẩy cho nền nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên 4.0. Mỗi người nông dân không chỉ là người sản xuất, mà là người làm chủ công nghệ, là chiến binh xanh trong trận chiến vì khí hậu và phát triển bền vững.
"Đổi mới sáng tạo không có biên giới, Hachi mong được tham gia các hội thảo quốc tế, để có thể mang công nghệ nông nghiệp made in Việt Nam ra thế giới", bà Hương kết thúc bài phát biểu.
-
15h20
'Vương quốc Anh đồng hành Việt Nam thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi số'
Là đại diện tổ chức quốc tế nói lời chào mừng tại sự kiện, ông Iain Frew, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ông Iain Frew, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh phát biểu chào mừng. Ảnh: Giang Huy
Theo ông, đây là thời điểm thú vị cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trên toàn thế giới. Ông nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như thâm nhập sâu vào cuộc sống con người.
Theo ông 2/3 dân số thế giới được kết nối với Internet. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 80%. Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc. Việt Nam có các công ty lớn sẵn sàng đầu tư và cạnh tranh trên thị trường AI toàn cầu.
Ông Iain Frew ấn tượng trước sự đổi mới chính sách nhanh chóng gần đây của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam. Nghị quyết 57 là một cột mốc trong tư duy của Việt Nam để nhận ra vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời đại mới. Điều này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết các rào cản về thể chế, đầu tư vào nhân tài và cơ sở hạ tầng để nắm bắt cơ hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định bốn trụ cột chiến lược cho kỷ nguyên mới. Bao gồm cải cách hành chính; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính phủ số; phát triển khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ và có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Ông chia sẻ mối liên hệ giữa trụ cột 2 - khoa học, công nghệ và chuyển đổi số và trụ cột 4 - hợp tác quốc tế theo quan điểm của Vương quốc Anh. Hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã kéo dài hơn 10 năm, tập trung vào phát triển bền vững tại Việt Nam với 80 dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, nông nghiệp, khả năng phục hồi môi trường, công nghệ chuyển đổi và quản trị nghiên cứu.
Ông cho biết Vương quốc Anh vừa công bố 6 dự án lớn về kháng thuốc và bệnh nhiệt đới bị lãng quên, 3 dự án về nuôi trồng thủy sản bền vững, cùng một số dự án về AI, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo. "Rất vui khi các dự án này quy tụ nhiều trường đại học hàng đầu từ Anh và Việt Nam như Oxford, King's College London, Imperial College, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học quốc gia T .HCM, Đại học Cần Thơ... phản ánh chất lượng hợp tác giữa hai bên", vị đại sứ cho biết.
Vương quốc Anh đã cung cấp hàng trăm học bổng và học bổng nghiên cứu để xây dựng mối quan hệ và kỹ năng chuyên môn cho các nhà nghiên cứu đầu sự nghiệp từ cả hai quốc gia để hợp tác lâu dài hơn. Điều này giúp thiết lập quan hệ đối tác vững chắc với các bộ phận thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để đồng triển khai các chương trình này.
Trong kỷ nguyên mới, chuyển đổi số là rất quan trọng. Trong khi cố gắng bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mang tính chuyển đổi như AI, Vương quốc Anh và Việt Nam có chung tầm nhìn rằng AI phải được phát triển và áp dụng một cách có trách nhiệm.
Ông cho rằng Vương quốc Anh mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy trên hành trình hiện đại hóa và đổi mới chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Đầu tiên để hỗ trợ TP HCM thực hiện nguyện vọng trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN, thành phố đang hướng tới việc triển khai quan hệ đối tác City2City đầu tiên giữa Anh - Việt với Vùng thành phố Liverpool, cho phép hai thành phố trao đổi kiến thức và tiếp cận các công nghệ y tế tiên tiến nhất.
Ngoài ra, Vương quốc Anh mong muốn hỗ trợ quan hệ đối tác của AstraZeneca với Bắc Ninh để xây dựng một tỉnh và thành phố y tế thông minh tại đó. Quốc gia này cũng mong muốn đa dạng hóa và tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, tăng trưởng xanh, công nghệ chuyển đổi bao gồm trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và sinh học kỹ thuật.
"Chúng tôi rất vui khi thấy sự hợp tác khoa học và công nghệ trong toàn bộ phạm vi từ giáo dục đại học, xây dựng năng lực, nghiên cứu chung và thương mại và đầu tư. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi để cải thiện quản trị khoa học, công nghệ và hệ thống chuyển đổi số và vai trò của chính quyền trung ương trong hành trình đó. Đồng thời, cũng rất vui khi được hợp tác với Việt Nam trong cả các nền tảng song phương và đa phương như ASEAN hoặc Liên hợp quốc để tối đa hóa sự hợp lực và tác động", ông Iain Frew nhấn mạnh.
-
15h30
'Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững'
Tiếp theo chương trình, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu có những chia sẻ về Nghị quyết 57 và vai trò của nhà khoa học trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy
Theo bà Ngà, trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững. Khoa học công nghệ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng nắm bắt, dự báo, và ứng phó với những thách thức từ bên trong và bên ngoài.
Là một trong số các nhà khoa học nữ được vinh dự trực tiếp tham dự hội nghị, bà nhận thức rõ sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với sự tồn vinh của khoa học Việt Nam. Theo nữ tiến sĩ, Nghị quyết 57 là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội và định hướng chiến lược cho các nhà khoa học đóng góp vào động lực xây dựng và phát triển của đất nước.
Nghị quyết 57 khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực mạnh mẽ cho hành trình khám phá tri thức. Như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, nghiên cứu là quá trình khám phá bí mật của tự nhiên, còn phát triển công nghệ là không gian sáng tạo của con người.
Trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, nhận định này càng có ý nghĩa khi biến đổi khí hậu đang diễn ra rõ rệt: nhiệt độ trung bình toàn cầu đến cuối tháng 4/2025 đã tăng 1,58°C so với mức tiền công nghiệp, vượt ngưỡng Thỏa thuận Paris; các hiện tượng thời tiết cực đoan như siêu bão Yagi 2024 gây thiệt hại nghiêm trọng là minh chứng cho sự mất cân bằng do con người khai thác tài nguyên quá mức.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh ba định hướng quan trọng, đó là tăng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ nghiên cứu và chuyển đổi số, tạo nền tảng cho phát triển công nghệ. Cởi trói thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất ý tưởng mới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giúp nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng mạng lưới nghiên cứu và đưa các vấn đề của Việt Nam ra toàn cầu để cùng tìm giải pháp.
Cũng theo bà Ngà, hiện nay, phụ nữ chiếm khoảng 45% lực lượng nghiên cứu khoa học, ngày càng khẳng định vai trò trong các lĩnh vực mũi nhọn như y học, công nghệ sinh học, môi trường, khoa học máy tính và đạt nhiều giải thưởng lớn. Nghị quyết 57 của Đảng và Nhà nước nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mở ra cơ hội để nữ khoa học phát huy thế mạnh, kiên trì theo đuổi các dự án nghiên cứu lớn, hợp tác trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ. "Sự tham gia tích cực của phụ nữ trong nghiên cứu, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững", PGS. TS Phạm Thị Thanh Ngà nhấn mạnh.
-
15h45
Tôn vinh 10 nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm Khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024
Tiếp nối Chương trình là nội dung vinh danh các tổ chức, cá nhân đã có những thành tựu, khẳng định vị thế tiên phong bằng những sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã lên sân khấu tặng hoa và bằng khen cho các cá nhân, tổ chức đã được vinh danh.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu được vinh danh. Ảnh: Giang Huy
Đầu tiên là Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) với những đóng góp trong lĩnh vực Dược phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư tự sản xuất. Thành tựu này không chỉ giúp giảm tới 60% chi phí điều trị cho bệnh nhân Việt Nam mà còn khẳng định năng lực tự chủ công nghệ dược phẩm nước nhà.
Tổ chức, doanh nghiệp thứ hai được vinh danh là VNPT Technology đã gây tiếng vang quốc tế với thiết bị đầu cuối XGS-PON Wi-Fi 7 iGate XSW050-Q - sản phẩm đầu tiên trên thế giới được ra mắt tại MWC 2025. Đây là minh chứng cho năng lực đổi mới sáng tạo, hứa hẹn mang lại trải nghiệm vượt trội và tiềm năng doanh thu lớn cho ngành viễn thông Việt Nam.
MedCAT là đại diện tiếp theo với nền tảng MEDCAT IDUS và giải pháp MedCAT AI Insurance. Công ty đã tạo ra một cuộc cách mạng trong xử lý dữ liệu y tế và bảo hiểm. Ứng dụng AI và NLP giúp tăng năng suất xử lý yêu cầu bồi thường gấp 5 lần, một đóng góp xuất sắc cho chuyển đổi số quốc gia và đã được vinh danh tại AI Awards 2024; Top 10 toàn cầu tại giải AI Everything Abu Dhabi 2025
Trong lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao, công ty Growmax được vinh danh nhờ sản phẩm thức ăn chức năng Specific TPD- giúp phòng ngừa tuyệt đối và hỗ trợ điều trị bệnh TPD cho tôm, cùng quy trình nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn nước-An toàn sinh học. Thành tựu này không chỉ giúp tối ưu hóa sản xuất giảm chi phí cho người nuôi tôm tại việt nam và nhiều nước khác mà còn xây dựng "Thương hiệu thức ăn tôm của người Việt" cạnh tranh quốc tế.
Nhóm tác giả Công trình "Công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi" với đại diện là PGS.TSKH Vũ Cao Minh mang đến giải pháp mang đậm giá trị nhân văn và thực tiễn cao. Công trình này đã "cứu cánh" cho các vùng núi cao thiếu nước, giúp hàng nghìn hộ dân ổn định đời sống, phát triển nông nghiệp bền vững, vừa nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.
Đại diện tiếp theo được vinh danh là Veritas Việt Nam với Công nghệ sản xuất NetZero Pallet từ vỏ dừa. Đây là giải pháp đột phá, vừa bảo vệ môi trường bằng cách giảm chặt phá rừng, hấp thụ CO2, vừa tạo việc làm bền vững cho người dân vùng nông thôn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu xanh. Một giải pháp ý nghĩa, đạt Top 3 doanh nghiệp có sáng kiến tiêu biểu tại Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025.
Đại diện thứ 7 được vinh danh là Công ty Cổ phần MISA với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số doanh nghiệp với các công cụ quản lý tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) qua Trợ lý số Misa AVA. Giải pháp giúp tự động hóa, đơn giản hóa và tăng độ chính xác cho nghiệp vụ bán hàng, kế toán, xứng đáng với Giải thưởng Sao Khuê danh giá.
Viện Thuốc phóng Thuốc nổ - Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng được vinh danh với công trình Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phóng một gốc thuần hóa cho đạn cao xạ. Thành tựu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tự chủ công nghệ, đảm bảo an ninh quốc phòng và đã xuất sắc giành Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2024 cùng Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội.
Tiếp theo là những nhà khoa học nữ tiêu biểu, những người đã cống hiến trí tuệ và tâm huyết cho sự phát triển của khoa học nước nhà.
Đầu tiên là PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Với những nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là sáng kiến ước tính bức xạ mặt trời từ dữ liệu vệ tinh Himawari và mô hình dự báo phân bố mưa trong bão, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà đã có đóng góp thiết thực cho việc phát triển năng lượng tái tạo và công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam.
Đại diện thứ hai là PGS Nguyễn Minh Tân, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội Bằng những cống hiến không mệt mỏi trong khoa học, PGS Nguyễn Minh Tân đã có những đóng góp quan trọng giúp nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường. Những nỗ lực của cô đã được ghi nhận xứng đáng với Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 cao quý.
-
15h50
MedCAT từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm chủ công nghệ AI của người Việt
Sau phần vinh danh, bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MedCAT, chia sẻ sự xúc động khi nhận được sự ghi nhận cho một hành trình dài đầy tâm huyết.
"MedCAT không chỉ là một sản phẩm công nghệ, mà bắt nguồn từ chính những trải nghiệm cá nhân khi đồng hành cùng người thân trong quá trình điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài nước. Từ đó, chúng tôi nhận ra nhu cầu cấp thiết trong việc số hóa và xử lý dữ liệu phi cấu trúc, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà ở nhiều ngành nghề khác", bà Tuyết nói.
Bà Đặng Thị Ánh Tuyết chia sẻ sự xúc động khi được ghi nhận những đóng góp thời gian. Ảnh: Giang Huy
MedCAT là nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và mô hình ngôn ngữ để tái cấu trúc dữ liệu phi cấu trúc - loại dữ liệu vốn được xem là "nguyên liệu thô" của nền kinh tế số. Theo bà Tuyết, hiện nay khoảng 80% dữ liệu tồn tại dưới dạng phi cấu trúc. Việc xử lý hiệu quả loại dữ liệu này là điều kiện tiên quyết để tiến tới chuyển đổi số toàn diện.
Giải pháp của MedCAT hiện đã đạt độ chính xác cao, có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: bảo hiểm, pháp lý, dược phẩm. Một số tính năng nổi bật bao gồm: xử lý và tư vấn tự động hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chống gian lận, hỗ trợ nhân viên không phải nhập liệu thủ công, đồng thời giúp nâng năng suất lao động lên gấp 5 lần, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ, tái cấu trúc dữ liệu ở cấp độ chi tiết như LEGO.
MedCAT cũng đang phát triển giải pháp chuyên sâu trong lĩnh vực bảo hiểm, vừa lưu trữ dữ liệu vừa phân tích để cung cấp gợi ý thông minh. Với sự đầu tư vào công nghệ lõi và đội ngũ nhân sự chất lượng cao gồm nhiều tiến sĩ, thủ khoa, á khoa, MedCAT từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực AI.
"Chúng tôi âm thầm phát triển giải pháp này trong nhiều năm, có sự đồng hành của các cơ quan chức năng và hiện là thành viên của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia. Việc Đảng ban hành Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ tiếp thêm động lực và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như MedCAT", bà Tuyết chia sẻ.
Từ nỗi đau của người dùng, MedCAT đã tìm ra cách xử lý phù hợp, từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm chủ công nghệ AI của người Việt. "Chúng tôi tin rằng, với chính sách và cơ chế hỗ trợ phù hợp, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá," bà Tuyết kỳ vọng.
-
15h58
Quỹ Nafosted cam kết đồng hành cùng các nhà khoa học
Tại sự kiện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (gọi tắt là Quỹ Nafosted) đã ra mắt. Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Quỹ, cho biết Nafosted sẽ thực hiện có 7 nhiệm vụ lớn để đồng hành cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu.
Dịp này đại diện các nhóm nghiên cứu, viện trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã trao cam kết thực hiện các ý tưởng nghiên cứu/chế tạo sản phẩm khoa học và công nghệ. Đây là những cam kết mang tính tiên phong, thể hiện quyết tâm đưa khoa học và công nghệ Việt Nam vươn tầm cao mới.
Theo đó PGS.TS Phạm Thái Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 cam kết thực hiện nghiên cứu "Xây dựng quy trình kỹ thuật trước, trong và sau đặt thiết bị hỗ trợ thất trái ở bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại Việt Nam".
GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT, ĐH Quốc gia Hà Nội cam kết thực hiện "Nghiên cứu phát triển nền tảng hệ thống trên chip dựa trên vi xử lý có tập lệnh mã nguồn mở RISC-V định hướng ứng dụng cho Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo tại biên (Edge-AI)".
GS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao cam kết thực hiện "Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ công nghệ sinh học và sinh thái vào phục vụ vào đời sống xã hội theo định hướng xanh và tuần hoàn".
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cam kết thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm về AI Cloud và C.Open AI.
Ông Nguyễn Vũ Cường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh cam kết Thực hiện nghiên cứu chế tạo "Máy biến dòng điện, máy biến điện áp 110kV và 220kV và thiết bị kháng bù ngang có chức năng duy trì điện áp ổn định và giảm tổn thất trên đường dây 500kV"
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cam kết thực hiện xây dựng "Nền tảng MISA AI Agent và xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho AI Make in VietNam chuyên sâu cho xử lý văn bản pháp luật nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp, chuyên sâu nông nghiệp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt".
Ông Mai Văn Hoàng, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần thủy sản công nghệ cao Growmax lên trao cam kết thực hiện "Nghiên cứu ứng dụng để sản xuất thức ăn chức năng phòng trừ và hỗ trợ điều trị bệnh TPD, bệnh EHP trên tôm" và "Nghiên cứu quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước - an toàn sinh học GrowMax".
Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare trao cam kết thực hiện "Nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất dây dẫn coil nút mạch não trong điều trị phình mạch máu não, công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị thông minh phục vụ điều trị hút huyết khối mạch máu não".
GS.TS Nguyễn Hải Nam, đại diện nhóm nghiên cứu phát triển thuốc mới - Trường ĐH Dược Hà Nội lên trao cam kết thực hiện "Nghiên cứu tìm kiếm ứng viên cho thử nghiệm lâm sàng để phát triển thuốc mới điều trị ung thư theo cơ chế ức chế enzyme histone deacetylase".
Ông Phùng Văn Nam, đại diện nhà sáng chế không chuyên lên trao cam kết thực hiện nghiên cứu chế tạo"Giàn phay lên luống kết hợp rải màng phủ ni lông và dây tưới nhỏ giọt thích hợp cho các loại cây ươm bầu".
Là người nhận cam kết và đồng thời trao hoa cho từng đại diện, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ Nafosted) cho biết, Quỹ cam kết luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, không chỉ bằng nguồn lực tài chính, mà còn bằng sự lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ kịp thời, để mọi ý tưởng khoa học có giá trị đều có cơ hội được nuôi dưỡng, phát triển và lan tỏa.
-
16h20
Phó thủ tướng phát biểu truyền cảm hứng
Sau khi lắng nghe các chia sẻ, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu chỉ đạo giúp định hướng và truyền cảm hứng cho hành trình phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
Mở đầu bài phát biểu, ông gửi lời chúc mừng đến các nhà khoa học, người lao động và người yêu khoa học trên toàn quốc và cảm ơn sự đồng hành, cống hiến của các thế hệ nhà khoa học, quản lý khoa học và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy
Ông Nguyễn Chí Dũng dẫn dắt từ buổi gặp mặt mạng lưới tri thức cách đây 62 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất và quay trở lại phục vụ nhân dân, phục vụ mục tiêu cao cả là xây dựng chủ nghĩa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Đây là kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển khoa học công nghệ là động lực phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
"Chúng ta có quyền tự hào về quá trình phát triển khoa học công nghệ, từ những sáng kiến phục vụ chiến trường đến những công trình xây dựng lớn. Những thành tựu đó là minh chứng cho sự sáng tạo của đội ngũ nhà khoa học của Việt Nam", ông Dũng nói.
Thế giới đang bước vào sự thay đổi sâu sắc với bước tiến công nghệ với AI, IOT, công nghệ xanh... Đây là thách thức và cũng là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với thế giới để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm. Phó thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học là nền tảng để xây dựng Việt Nam thịnh vượng, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân.
Để hoàn thiện các mục tiêu này, Phó thủ tướng đề nghị hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý, cởi trói cho các lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông yêu cầu đưa thể chế thành cầu nối lan tỏa đến các nhà khoa học và doanh nghiệp. Tiếp theo để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, cần quan tâm mô hình phát triển công tư, có thực chất để đưa người dân doanh nghiệp trở thành trung tâm.
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản, làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để phát triển các xu hướng của thế giới mà Việt Nam có tiềm năng như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học.
Cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trao quyền tự chủ cho các nhà khoa học, đội ngũ tri thức. Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế đến xã hội, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới
Đẩy mạnh ngoại giao khoa học, tranh thủ tri thức và công nghệ của thế giới, tham gia vào mạng lười toàn cầu, đưa khoa học Việt Nam ra thế giới và trở thành cầu nối đưa những công nghệ mới đến Việt Nam
Nâng cao tiêu chuẩn đo lường và chất lượng, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Khơi gợi niềm đam mê khoa học công nghệ, tôn vinh các nhà khoa học, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các mô hình thành công cho thế hệ trẻ.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng chúng ta sẽ thắng lợi những mục tiêu chiến lược về đổi mới khoa học công nghệ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình.
Sau phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn tới phó Thủ tướng vì đã tới tham dự Ngày hội khoa học, phát biểu chào mừng, chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho ngành.