![1-7-Anh-1-Duong-cao-toc-6525-1435749440.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/07/01/1-7-Anh-1-Duong-cao-toc-6525-1435749440.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qv0m-U7WrE1ruSjk_-wgPw)
Thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: T.Minh.
Tại buổi làm việc chiều 1/7, đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư) cho biết khâu giải phóng mặt bằng ở 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi còn vướng hơn 32 km, các khu tái định cư còn dở dang. Nhiều phế tích kiến trúc, đường dây điện cao thế chưa được di dời, thủ tục cấp mỏ khai thác vật liệu phục vụ thi công còn chậm.
Để đạt cao độ vượt lũ cho công trình năm nay, tốc độ đắp đất đá trung bình cần 135.000 m3 nhưng các nhà thầu chỉ đạt 95.000 m3 mỗi ngày. Dự án chậm tiến độ 3,6% so với kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết thêm, việc giải phóng mặt bằng cho dự án còn chậm vì thiếu vốn đối ứng cho địa phương, khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đã tạm ứng kinh phí cho các địa phương hơn 500 tỷ đồng để giải quyết kinh phí chi trả đền bù và xây dựng các khu tái định cư.
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Còn hai tháng là miền Trung vào mùa mưa, Bộ Giao thông, chủ đầu tư cần chỉ đạo các nhà thầu lập phương án thiết kế chống lũ cho công trình.
"Nếu không tính toán cẩn thận thì tuyến đường trở thành tuyến đê ngăn lũ, gây mất an toàn cho người dân các khu dân cư vùng dự án. Địa hình miền Trung độ dốc lớn, mưa lũ diễn biến phức tạp nên ngay từ bây giờ lập kế hoạch chi tiết, phòng chống lũ cho công trình là hết sức cấp bách", Phó thủ tướng nói.
Ông Hải cũng đề nghị lãnh đạo 3 địa phương áp dụng cơ chế đặc thù, sớm cấp phép cho các nhà thầu khai thác mỏ vật liệu tại chỗ để hoàn thành phần nền đường công trình đạt chất lượng và đảm bảo vượt lũ năm nay.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu được Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường dài gần 140 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ôtô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26 m, có 9 nút giao liên thông, 126 cầu các loại, một hầm đường bộ dài 540 m và nhiều hạng mục khác. Tổng mức đầu tư công trình hơn 34.500 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đảm bảo an ninh giao thông, cứu trợ khẩn cấp trong thiên tai các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và các khu vực lân cận.
Trí Tín