Chỉ đạo được Phó thủ tướng đưa ra tại hội nghị triển khai các Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) quốc gia giai đoạn 2021-2025 tổ chức chiều 17/10. Ở giai đoạn này chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ tái cơ cấu, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, giai đoạn 2021 - 2030 chương trình chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Tiêu chí tái cơ cấu gắn liền với đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học trên tinh thần "chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế". Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra.
Các chương trình khoa học công nghệ quốc gia bảo đảm không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông; có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng.
Hiện có 16 chương trình KHCN quốc gia do Thủ tướng phê duyệt và 17 Chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021- 2025 và 2021-2030 do Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Các chương trình theo các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, công nghệ trọng điểm, chủ lực của đất nước...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả giai đoạn 2016-2020, ngành khoa học công nghệ trong đó các chương trình KHCN quốc gia, đã đóng góp quan trọng vào chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu. Việt Nam đạt được những bước tiến đáng ghi nhận về chỉ số đổi mới sáng tạo. Cụ thể chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Năm 2022, Việt Nam mặc dù xếp vị trí 48/132, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; số lượng bài báo công bố quốc tế tăng trung bình 20%...
Ông cũng nêu một số hạn chế, trong đó thiếu mối liên kết có tính định hướng, đỡ đầu đối với các chương trình, nhiệm vụ. Những vướng mắc về cơ chế quản lý, việc công khai, minh bạch, giám sát các đề tài nghiên cứu khoa học. Các sản phẩm công nghệ quốc gia chưa được mở rộng phạm vi đánh giá theo hướng dành cho mọi sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao...
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hơn nữa trong triển khai các chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021-2025, bảo đảm chất lượng, đúng quy định. Ông cũng lưu ý, các chương trình KHCN quốc gia cần được cơ cấu lại theo hướng các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả, tiêu chí đánh giá phải được lượng hoá ngày càng rõ ràng, chi tiết.
Theo Phó thủ tướng, KHCN không phải là độc quyền của Nhà nước hay của viện này, viện kia mà cởi mở cho toàn giới khoa học. "Các kết quả, đề tài nghiên cứu cần được minh bạch, công khai và gắn với trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học". Ông cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số chương trình, từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học; có các cơ chế để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, kết hợp cơ sở nghiên cứu của nhà nước.
Như Quỳnh