Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu nhận định trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, chiều 14/5. Tuy nhiên, ông lưu ý các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng "rõ ràng trong cộng đồng đã có mầm bệnh". Với điều kiện giao lưu, thông thương hiện nay, dịch có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây nhiễm cho bất cứ ai. Vì vậy, cả hệ thống chống dịch phải trong tình trạng trực chiến, khi có ca chỉ điểm sẽ ra quân nhanh, khoanh vùng ngay.
Khẳng định lại quan điểm chống dịch nhưng không "ngăn sông, cấm chợ", ông Đam nhấn mạnh nếu không kiểm soát tốt những người đang làm việc ở vùng dịch, nhưng cư trú ở tỉnh khác (trong đó có Hà Nội) sẽ gây nguy cơ dịch bệnh ở nơi họ cư trú. Vì vậy, các tỉnh có khu công nghiệp tập trung cần lập danh sách kỹ sư, công nhân, người lao động ở tỉnh khác để nếu có dịch thì ưu tiên xét nghiệm, đảm bảo an toàn cả nơi sản xuất và cư trú của người lao động.
Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết các nguồn lây nhiễm liên quan đến tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái "đã được kiểm soát, không có khả năng lây lan ra cộng đồng".
Ông phân tích, Hà Nội đã ghi nhận 76 ca nhiễm (không tính ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 và Bệnh viện K), đều xác định rõ nguồn lây. "Dự kiến tới đây có thể ghi nhận một số ca nhiễm nhưng với kinh nghiệm đã có, các lực lượng của thành phố sẵn sàng truy vết kịp thời, kiểm soát dịch bệnh", ông Tấn nêu quan điểm.
Chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 (huyện Đông Anh) , ngoài những trường hợp được cách ly từ trước, các ca mắc có liên quan ghi nhận chủ yếu tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Bệnh viện đã cách ly toàn bộ, chỉ tiếp nhận những ca bệnh Covid-19 nặng.
Chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được ghi nhận từ 6/5, với 18 ca dương tính tại bệnh viện, 28 ca ghi nhận ở 8 tỉnh. Những ca bệnh ở các tỉnh là người bệnh, người nhà trở về từ Bệnh viện K trong khoảng thời gian từ 22/4 đến 6/5. Những người tiếp xúc gần với các ca bệnh đã được quản lý, cách ly. Bệnh viện K đang làm sạch từng bộ phận, khoa phòng.
Nguồn lây nhiễm liên quan đến Đà Nẵng đã ghi nhận 134 ca bệnh, từ cơ sở massage, có liên quan đến quán bar New Phương Đông (quận Hải Châu), sau đó lây lan sang thẩm mỹ viện AMIDA ở cùng quận. Số ca bệnh tập trung chủ yếu tại đây, rồi lan ra một số các tỉnh, thành phố khác.
Ngày 12/5, Đà Nẵng ghi nhận ổ dịch bệnh tại Công ty Tân Trường Minh (khu công nghiệp An Đồn) với 45 ca. "Chùm lây nhiễm tại khu công nghiệp An Đồn đã bước đầu được kiểm soát, số lượng xét nghiệm thực hiện tại đây rất lớn và hầu hết cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, nguồn lây nhiễm tại Đà Nẵng chưa được xác định rõ nên có khả năng ghi nhận các ca bệnh ở những khu vực khác", ông Tấn nói. Ông lưu ý các tỉnh có ca nhiễm liên quan đến Đà Nẵng vẫn có thể xuất hiện ca bệnh mới, nên cần sẵn sàng truy vết, khoanh vùng.
Nguồn lây tại tỉnh Hải Dương ghi nhận 5 ca bệnh tại cộng đồng được cho là có nguồn gốc nhập cảnh nước ngoài. Tất cả người tiếp xúc gần (F1, F2) đã được quản lý, cách ly.
Về dịch bệnh tại Bắc Ninh, ca bệnh tập trung chủ yếu tại huyện Thuận Thành và khu công nghiệp. "Tỉnh có nhiều khu công nghiệp và đã có F1 của bệnh nhân trước đó tới làm việc, nên nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng rất lớn", ông Tấn nói.
Ca nhiễm tại Bắc Giang hầu hết liên quan Khu công nghiệp Vân Trung, từ một công ty lan ra nhiều công ty. Công nhân cũng làm lây bệnh cho người dân xung quanh.
"Một trong những khó khăn của Bắc Ninh, Bắc Giang là có lao động làm việc trong các khu công nghiệp sinh sống ở nhiều tỉnh khác, nên quản lý công nhân, đặc biệt là F2 tại nơi cư trú gặp nhiều khó khăn", ông Đặng Quang Tấn cho biết.
Đơn cử, ngày 14/5, cán bộ Cục Y tế dự phòng gọi điện thoại kiểm tra xác xuất 66 F2 được công bố cách đó hai ngày thì còn 22 người chưa được khuyến cáo phải cách ly tại nhà.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm việc này vì "chỉ hai ngày cũng có thể thành ổ dịch mới". Bộ Y tế tăng cường nhóm tình nguyện viên hỗ trợ quản lý các F2, F3.
Ban chỉ đạo cho rằng cần kích hoạt lại tổ thông tin đáp ứng nhanh để phân tích thông tin, dữ liệu, ý kiến chuyên gia; thiết lập cơ chế giám sát người nhập cảnh, người cách ly; xác minh thông tin khó mà phương pháp truy vết thông thường không giải quyết được. Tổ còn xây dựng các kịch bản ứng phó dịch bệnh; xác định các điểm nguy cơ, đưa ra cảnh báo sớm.