-
17h00
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn
Phiên chất vấn Phó thủ tướng Trương Hoà Bình kết thúc lúc 17h. Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi nhưng do thời lượng không còn nên lãnh đạo Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, trong 3 ngày, đã có hơn 196 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt tham gia tranh luận.
“Những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn để chất vấn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri đánh giá cao”, bà nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vấn đề, đặc biệt là tích cực tranh luận. Các thành viên Chính phủ nắm chắc nhiệm vụ, thực trạng của ngành; giải trình khá rõ những vấn đề đại biểu nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm và có giải pháp để quyết tâm làm chuyển biến tình hình.
-
16h30
Formosa vận hành có đảm bảo an toàn môi trường?
Phó giám đốc công an TP Hà Nội, đại tá Đào Thanh Hải chất vấn về vụ việc công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm cho khu vực biển miền Trung.
Theo ông, sự cố này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gây bất ổn về an ninh trật tự ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua. Hiện nhiều cử tri băn khoăn về mức độ ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh chịu ảnh hưởng.
"Đề nghị Phó thủ tướng cho biết môi trường biển các tỉnh miền Trung đã được phục hồi hoàn toàn hay chưa? Nếu biển miền Trung đã sạch, tại sao Chính phủ lại khuyến cáo người dân không đánh bắt cá ở tầng đáy?", ông nói.
Theo ông Hải, cử tri đang quan ngại việc nhà máy formosa sắp tới đi vào vận hành liệu có đảm bảo an toàn tuyệt đối môi trường biển miền Trung. Chính phủ có giải pháp gì để không tái diễn sự cố như vừa qua?
-
16h15
Việt Nam chuyển động một thì các nước khác chuyển động 2-3
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nêu chất vấn về cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông cho biết năm 2016, Việt Nam tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh, tuy nhiên mới chỉ xếp thứ 82 trong các nền kinh tế. Trong khi đó, các nước ASEAN cũng tăng hạng, Singapore xếp thứ 2, Thái Lan thứ 46, Indonesia tăng 12 bậc…
“Như vậy, Việt Nam chuyển động một thì các nước khác chuyển động 2-3”, ông Lộc nói và đưa ra câu hỏi về việc Chính phủ sẽ làm gì để đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm ASEAN 4.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp để tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0
Đại biểu Võ Thị Như Hoa nói: "Thời gian gần đây không có cuộc tiếp xúc cử tri nào mà cử tri không đề cập đến vấn nạn tham nhũng. Nhiều người dân cho rằng, việc phát hiện, điều tra, truy tố xét xử của cơ quan tư pháp chưa đủ sức răn đe; thu hồi tài sản tham nhũng chưa tốt. Xin Phó thủ tướng cho biết nhận định này có đúng không?".
-
16h05
Không để xây cao ốc ở nội thành, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng
Về giải pháp chống ùn tắc giao thông, Phó thủ tướng đề cập đến việc cần thiết đầu tư hạ tầng ở các thành phố; di dời trường học, bệnh viện, công sở từ trung tâm ra ngoại thành...
"Các công sở di dời phải có kế hoạch đấu giá minh bạch", ông Bình nói và cho rằng, không thể để tình trạng tiếp tục xây dựng chung cư, cao ốc lớn ở nội thành trong khi hạ tầng chưa đáp ứng.
-
16h05
Nhiều trường hợp lợi ích thu hồi đất chưa hài hoà
Đề cập đến việc tình hình khiếu kiện đông người đang gia tăng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói chính quyền các cấp đã nỗ lực lớn, giải quyết được cơ bản các vụ việc, nhưng còn một số vụ trường hợp kéo dài dai dẳng, không xử lý được dứt điểm. Theo ông, tồn tại này là do lợi ích thu hồi đất giữa người dân – nhà đầu tư – Nhà nước chưa hài hòa.
“Có nhiều vụ việc đền bù người dân giá rẻ, sau đó chuyển đổi đất thành mục đích khác giá trị gia tăng cao, nhà đầu tư hưởng lợi. Với những trường hợp này, chính quyền công tâm thì giải quyết được còn ngược lại thì dân khiếu kiện”, Phó thủ tướng nói.
-
16h00
Thu hồi các quyết định bổ nhiệm người nhà sai quy định
Trả lời chất vấn xung quanh việc bổ nhiệm người nhà, người thân không đúng quy định, Phó thủ tướng nói vấn đề này đã gây phản ứng trong dư luận, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra 11 địa phương, đã phát hiện một số sai phạm.
"Thủ tướng yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm", ông Bình nói và thông tin, trong năm 2017 Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.
Trước đó trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã nêu 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ.
Sở Nông nghiệp Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên Bình Định có 6 Phó giám đốc. Sở Lao động Hải Dương có 44 lãnh đạo trong tổng số 46 công chức; Sở Nông nghiệpThái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo...
-
15h50
"Cán bộ phải hành động theo lương tâm"
Đề cập đến tư duy nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng câu chuyện này đang tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp dẫn tới cắt khúc trong quản lý, phân tán nguồn lực đầu tư... “Làm sao để hạn chế, tiến tới bỏ tư duy nhiệm kỳ trong các ngành, cấp”, nữ đại biểu tỉnh Đồng Tháp chất vấn.
Giải đáp câu hỏi này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định những cán bộ có tư duy nhiệm kỳ là không xứng đáng; để xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân thì cán bộ phải có tư duy phục vụ. Người được bổ nhiệm, bầu, phê chuẩn vào bất cứ vị trí công tác nào phải chuẩn mực, thực thi công vụ đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Theo ông, những trường hợp bổ nhiệm không đúng mà đại biểu nêu ra là do khâu bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, rèn luyện, đánh giá cán bộ chưa chính xác. Do đó, cần tăng cường kiểm tra để phát hiện những cán bộ không thực hiện đúng nghị quyết, kế hoạch, tinh thần trách nhiệm và nhiệm vụ được phân công.
“Tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi có thể vì lợi ích nhóm, vì muốn thể hiện mình cho nhiệm kỳ tới, hoặc thấy mình đã hết nhiệm kỳ thì thôi không quyết tâm, nỗ lực nữa. Tất cả những biểu hiện này đòi hỏi chúng ta phải tăng cường xây dựng thể chế, kiểm tra phát hiện để có giải pháp kịp thời”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
-
15h25
Cần mở từ khóa “đúng quy trình, bổ nhiệm thần tốc, giải cứu”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban tư pháp nêu chất vấn về giải pháp để làm tốt hơn công tác tư pháp, điều tra thi hành án?
Đại biểu Trần Văn Minh băn khoăn về việc tín dụng trong những tháng đầu năm tăng trưởng cao, nhưng tốc độ GDP thì còn chậm. "Dòng tiền đầu tư đi đâu, có phải đang sử dụng kém hiệu quả, chưa đi đúng vào ngành sớm tạo ra sự tăng trưởng?", ông nêu câu hỏi.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: Gia Linh
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ lo lắng trước hiện trạng dự án đầu tư đắp chiếu, rồi công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, lợi ích nhóm ngày càng có xu hướng tương đồng về đặc tính, đúng quy trình pháp luật nhưng yếu tố người nhà “giọt máu đào hơn ao nước lã” lại quyết định.
“Với trách nhiệm của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân, đề nghị có những giải pháp mạnh hơn, sát hơn để làm chìa khóa mở những từ khóa như “đúng quy trình, bổ nhiệm thần tốc, giải cứu” đang dần khép lại niềm tin của dân”, bà Hiền nói.
Bà cũng đề nghị thành viên Chính phủ cam kết về những giải pháp đã đề ra, để Quốc hội thực hiện tốt chức năng giám sát tối cao. Những cam kết này theo bà sẽ là lời hứa “ba mặt một lời” trước cử tri.
-
15h20
Xử nghiêm sai phạm ở 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu"
Đại biểu Trần Văn Tiến làm nóng hội trường khi nêu chất vấn, tại kỳ họp thứ 2 (cuối năm 2016), Chính phủ báo cáo 5 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, được dư luận xã hội quan tâm.
Vừa qua, Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý một số dự án kém hiệu quả xác định 12 dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, hiệu quả đầu tư kém.
"Xin Chính phủ cho biết, ngoài 12 dự án đã được xác định, có bao nhiêu dự án thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng tương tự như trên? Chính phủ có giải pháp gì?", ông Tiến nói.
Trả lời chất vấn trên, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho hay, Chính phủ đã công khai thông tin về 12 dự án nêu trên. Các dự án đó sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng không để thất thoát và không dùng ngân sách để trả nợ; giải quyết các vấn đề theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ngoài 12 dự án trên, ông Bình xin phép Quốc hội trả lời "một cách ước lệ" là còn những dự án khác thua lỗ, kém hiệu quả, nhưng phải qua rà soát để xác định cụ thể. "Nếu phát hiện thêm dự án nào có vấn đề tương tự, Chính phủ cũng sẽ giải quyết như đối với 12 dự án đắp chăn, đắp chiếu đó”, ông nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng.
-
15h07
Chính quyền phải quy hoạch tốt để chống "được mùa, mất giá"
Trả lời các chất vấn "được mùa, mất giá", liên tục giải cứu thanh long, chuối, thịt lợn..., Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm của chính quyền là quy hoạch tốt, tìm đầu ra, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có kho trữ tốt... "Chúng ta phải hướng dẫn người nông dân làm sao sản xuất chất lượng cao, năng suất tốt, không dư thừa", Phó thủ tướng nói và cho hay đây cũng là vấn đề liên quan đến tái cơ cấu lực lượng lao động.
Về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo trong chương trình giảm nghèo bền vững đã bố trí hơn 18.000 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới dự kiến bố trí 193.000 tỷ đồng...
Chính phủ cũng sẽ nỗ lực kết nối phát triển giữa các vùng kinh tế, đầu tư cho y tế, giáo dục ở cơ sở...