Hôm nay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết quyết định nới room hôm 5/12 diễn ra trong bối cảnh tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn.
Với mức tăng thêm 1,5-2%, Phó thống đốc ước tính 240.000 tỷ đồng sẽ được cung ứng cho nền kinh tế. Hiện nay, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 12,2% so với đầu năm (chỉ tiêu cũ là tăng 14%, tức hạn mức còn 1,8%), do đó, với mức vừa nới sẽ có 3,8% room tín dụng cho các nhà băng trong thời gian tới. "Đây là dư địa khá lớn để các ngân hàng cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế", ông Tú cho hay.
Theo Phó thống đốc, việc phân bổ tín dụng ưu tiên những ngân hàng thanh khoản dồi dào và có chính sách giảm lãi suất hiện nay. "Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cần thiết hạn chế tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao", ông Tú chia sẻ. Một số ngân hàng có dư địa tín dụng còn dồi dào, như Agribank, cũng không cần thiết phải nới room thêm lần này.
Theo tìm hiểu của VnExpress, ngay sau thông tin nới room, một số nhà băng đã được phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng như BIDV được cấp 27.000 tỷ đồng, Vietcombank là 5.000 tỷ đồng, Shinhan Bank Việt Nam thêm 2%...
Lý giải không nới room sớm hơn dù biết doanh nghiệp cần vốn, ông Tú cho biết thực tế quý III không phải là thời điểm thuận lợi khi các chỉ số vĩ mô và thanh khoản của một số nhà băng chưa đảm bảo. Bước sang tháng 12, tác động của tình hình thế giới với Việt Nam đã dịu bớt, một số chỉ tiêu vĩ mô có dấu hiệu tích cực. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước lúc này mới có thể nới thêm hạn mức tín dụng cho các nhà băng để tạo dư địa hỗ trợ doanh nghiệp, dự án và lĩnh vực cần thiết.
Cấp thêm "room" nhưng Phó thống đốc nhấn mạnh điều quan trọng là các nhà băng phải tích cực huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay.
Trên thực tế, nhiều lãnh đạo ngân hàng và giới phân tích cũng không quá lạc quan về khả năng bơm được hàng trăm nghìn tỷ đồng ra thị trường từ nay đến hết năm sau khi nới "room". Một trong những rào cản lớn nhất là tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động) của nhiều nhà băng đã chạm trần.
Với vấn đề này, Phó thống đốc cho hay Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng và sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các nhà băng để có điều kiện cung ứng vốn một cách ổn định.
Quỳnh Trang