Tại hội nghị tổng kết năm của một nhà băng ở Hà Nội mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, năm qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng nọ kia nhưng thực chất chỉ là hô hào mạnh còn triển khai lại rất mờ nhạt.
Theo ông, hiện một số ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung dài hạn chưa đến kỳ trả nợ khiến nhiều người dân phải đi vay với lãi cao. Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lớn khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5% nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%.
"Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các nhà băng có nguồn vốn giá rẻ, không có lý do gì các ngân hàng cho vay lãi suất cao. Đây là cơ hội giảm lãi suất cho vay với khách hàng chứ không phải để ngân hàng hưởng lợi nhờ biên lợi nhuận cao", Phó thống đốc nhấn mạnh.
Hiện nay, mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng dao động 4,8-6,5% một năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5-7,5% một năm với khoản vay từ 6 đến 12 tháng. Một số nhà băng đã hạ tới 2,5-3% lãi suất cho vay so với đầu năm, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoản cho vay cũ treo ở mức lãi 9-10%.
Số liệu thực tế trong báo cáo của Fiin Group mới đây cũng cho thấy, lãi suất cho vay tuy giảm nhưng chưa theo kịp với sự đi xuống của lãi suất tiết kiệm, khiến nhiều ngân hàng được hưởng lợi.
Theo Fiin Group, biên lãi ròng (NIM) – tức là mức chênh lệch phần trăm giữa thu nhập và chi phí lãi của 21 ngân hàng niêm yết trong quý III năm 2020 đạt 0,89%, là mức NIM cao nhất từ trước đến nay (tính theo quý). NIM trong quý III/2020 cũng tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020, là mức tăng lớn nhất kể từ đầu 2018, bắt đầu giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.
Với tinh thần hỗ trợ "một miếng khi đói bằng một gói khi no", Phó thống đốc nói rằng hơn lúc nào hết ngân hàng cần giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng.
Sắp tới, chương trình thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Phó thống đốc nhấn mạnh, các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi thấp hơn. Ông đề nghị lãnh đạo ngân hàng xem việc giảm lãi suất là ưu tiên quan trọng phải xử lý trong đầu năm 2021.
Từ tháng 4 năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 nhà băng có vốn nhà nước chi phối gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm 40% lợi nhuận năm 2020 để hạ lãi suất cho vay. Trên thực tế, các nhà băng này năm qua cũng đã dành ra xấp xỉ 4.000-6.000 tỷ lợi nhuận để có các đợt giảm lãi suất cho vay khách hàng.
Tuy nhiên, mức giảm này trên thực tế tại cả Vietcombank, VietinBank hay BIDV cũng chưa chiếm tới 20% con số lợi nhuận từ vài nghìn tỷ đến hàng chục nghìn tỷ của các nhà băng này.
Quỳnh Trang