Trong buổi làm việc mới đây của Samsung với Bộ Thông tin Truyền thông, một lãnh đạo Samsung đã tiết lộ cứ 100 nhân viên trong mảng điện thoại di động của hãng thì có tới 80 người Việt. Hiện tập đoàn này đang sử dụng khoảng 130.000 lao động của Việt Nam. VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Hyun Woo Bang - Phó tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Việt Nam về chiến lược phát triển tại đây.
Ông Hyun Woo Bang |
- 120.000 trên tổng số 150.000 nhân viên mảng điện thoại của Samsung là người Việt. Việc này liên quan như thế nào đến nguồn lao động dồi dào với giá rẻ tại Việt Nam, thưa ông ?
- Năm 1995, Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, đến nay đã là 21 năm. Từ năm 2008, chúng tôi chính thức đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động. Hiện tại, Samsung có khoảng 130.000 lao động người Việt. Đã có rất nhiều người hỏi tôi rằng có phải Samsung đầu tư lớn vào Việt Nam vì lao động giá rẻ? Lúc đó tôi trả lời rằng lao động không phải yếu tố quan trọng nhất. Về nguồn lao động, Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào nhất trong so sánh với Ấn Độ. Về chi phí lao động, nhiều nước khác trong khu vực cũng có nhân công rẻ hơn Việt Nam nhiều. Chất lượng lao động của Việt Nam cũng không phải là tốt nhất trong so sánh với các nước xung quanh.
Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam là quyết định chiến lược của cả tập đoàn dựa trên những phát triển kinh tế, chính sách thuế, yếu tố chính trị ổn định, nguồn lao động, khả năng nhập khẩu nguyên liệu…
- Lãnh đạo Samsung đã từng tuyên bố sẽ biến Việt Nam trở thành đại bản doanh sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới. Kế hoạch này đã được triển khai như thế nào?
- Đến nay Samsung đã đầu tư khoảng gần 15 tỷ USD vào Việt Nam. Hai dự án lớn nhất của Samsung Việt Nam là Khu tổ hợp là Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với diện tích 110ha ở Yên Phong, Bắc Ninh và và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) rộng 170ha ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Hai nhà máy này đều sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện điện thoại. Sản phẩm từ đây sẽ xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Ngoài ra, mới đây Samsung còn đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Samsung Display (Bắc Ninh); 300 triệu USD vào Trung tâm R&D chuyên nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm mới của tập đoàn.
Năm 2015, chúng tôi xuất khẩu khoảng 32,5 tỷ USD, và hai nhà máy ở Bắc Ninh đã cung cấp 200 triệu điện thoại di động ra toàn cầu. Năm nay nhà máy ở TP HCM và Samsung Display sẽ tiếp tục đi vào hoạt động, sản lượng cung cấp ra toàn cầu rất lớn.
Việt Nam đã trở thành đại bản doanh sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất trên bản đồ thế giới. Samsung có 9 nhà máy và đầu tư vào nhiều nước, song Việt Nam là lớn nhất.
- Samsung chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại vì tỷ trọng quá lớn của một doanh nghiệp có thể gây rủi ro cho nền kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?
- Số liệu nêu trên được đưa ra bởi các đơn vị thuế quan của Việt Nam. Thực chất có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề này. Trước đây, các nước thường phân loại doanh nghiệp theo hình thức sở hữu trong nước và nước ngoài. Xu thế hội nhập, toàn cầu hoá nên tôi nghĩ cần phải thay đổi, bên nào sở hữu cũng được, quan trọng họ có sử dụng lao động, nguyên liệu của Việt Nam không? Có đóng góp lớn cho nền kinh tế không? Đó mới là vấn đề đáng bàn.
Việt Nam sắp gia nhập AEC, TPP, và đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Hàn Quốc, giờ đây đất nước các bạn đã thoát khỏi nền kinh tế bị cô lập trước đây.
Tất nhiên, khi một doanh nghiệp chiếm tỷ trọng quá lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của một nền kinh tế sẽ có nhiều điểm rủi ro nếu doanh nghiệp rơi vào suy thoái hay có một quyết định bất ngờ. Trong tương lai, tôi mong sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt và nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh, cùng góp chung vào sự vững chắc của nền kinh tế Việt Nam chứ không chỉ riêng Samsung. Về phía người dân, tôi mong rằng các bạn không phân biệt các doanh nghiệp FDI, đừng ngồi đó lo lắng chúng tôi sẽ dời đi bất cứ lúc nào mà hãy cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi ở lại và đóng góp cho Việt Nam.
- Ông có thể thông tin về hoạt động nhập khẩu, và có bao nhiêu doanh nghiệp Việt đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung hiện nay?
- Nếu chúng tôi là công ty về rau quả, có lẽ đã nhập khẩu 100% nguyên liệu từ Việt Nam rồi. Tuy nhiên, vì là công ty điện tử nên các loại màn hình, bộ nhớ, bán dẫn buộc phải nhập khẩu. Năm 2015, hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có kim ngạch nhập khẩu bán dẫn và màn hình khoảng 16 tỷ USD. Tỷ lệ nhập khẩu là 50% và nguồn trong nước là 50%. Tuy nhiên, nguồn nhập khẩu trong nước cũng chủ yếu là các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Samsung đang có 250 nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2, trong đó có 7 doanh nghiệp Việt đã tham gia vào hệ thống doanh nghiệp vệ tinh.
Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương để phát hiện, bồi dưỡng các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng nếu như đạt điều kiện. Dự kiến năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào hơn.
- Ông cảm nhận như thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam và việc phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường được Samsung thực hiện ra sao?
- Tôi đã đi nhiều quốc gia trên thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện rất ổn định. Có lẽ vì đầu tư lớn nên chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ, các địa phương. Chúng tôi rất biết ơn, nhưng vẫn có một vài thủ tục hành chính, khâu phê duyệt, thẩm dịnh dự án còn phiền hà, mất thời gian. Hiện đang có sự dịch chuyển dòng vốn và của các tập đoàn xuyên quốc gia từ nước này sang nước khác. Việt Nam cần dựa trên bối cảnh mới để đưa ra chiến lược thu hút cho phù hợp.
Về môi trường, nếu các bạn có dịp đến nhà máy của chúng tôi sẽ thấy vô cùng sạch sẽ. Nước thải được xử lý chuyên nghiệp, sau đó mới thải ra bên ngoài. Chúng tôi luôn ý thức bảo vệ môi trường xung quanh vì sự phát triển lâu dài của các dự án Samsung ở Việt Nam. Hơn nữa, đồ ăn, thức uống của tất cả các nhà máy đều được mua từ vùng xung quanh nên không dại gì chúng tôi làm ô nhiễm môi trường để đầu độc chính mình.
Tuy nhiên, vì Samsung tuyển dụng lượng lớn lao động mà công nhân chủ yếu đi xe máy nên có thể gây ra ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi… Chúng tôi rất xin lỗi vì điều này.