Long Môn trên đại lộ Grant Avenue, lối vào phố người Hoa ở San Francisco, ngày thường là nơi khách tham quan chen chân selfie - nay không ai tạo dáng, không ai chụp ảnh. Đèn lồng đỏ treo cao, bích họa Lý Tiểu Long, hay những tòa nhà trang trí công phu theo kiến trúc Trung Hoa, vốn là tâm điểm của ống kính máy ảnh, nay không còn ai xếp hàng chụp. Tiếng đàn nhị của một quý ông chơi trước nhà thờ thánh Mary vang vọng khắp con phố không người.
"Bạn thấy đấy, chẳng có ai ở đây cả. Tình hình thực sự khó khăn. Mọi người, tôi không biết tất cả họ đã đi đâu mất nữa", Ivy Liu, quản lý một cửa hàng tại chợ Bargain Bazaar, nói khi đang lấy hàng tồn kho trong một cửa hàng vắng hoe.
Từ khi dịch viêm phổi do virus nCoV bùng phát, hàng quán tại phố người Hoa lớn và cổ nhất nước Mỹ ngày càng ế ẩm, bởi một nỗi sợ đầy tính kỳ thị cản bước chân du khách tới đây. Đến nay chưa có ca nhiễm bệnh nào được ghi nhận tại San Francisco, nhưng đường sá trong phố người Hoa ngày càng thưa thớt. Người địa phương bắt đầu lo lắng - không phải vì virus, mà bởi nỗi băn khoăn liệu họ có thể trụ nổi qua đợt suy thoái này hay không.
Mối quan ngại này đủ lớn để Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phải lên tiếng kêu gọi công chúng "làm ơn hãy đến thăm và tận hưởng phố người Hoa". "Chúng tôi đều biết rằng nỗi lo ngại bao phủ ngành du lịch khắp thế giới, nhưng chúng tôi cho rằng khu phố này vẫn an toàn, và hy vọng mọi người sẽ đến. Mọi thứ ở đây đều dễ thương", bà Pelosi nói.
Tuy nhiên, dù chưa có trường hợp lây nhiễm virus nào được xác định trong thành phố, thị trưởng San Francisco, London Breed, sau đó lại ban bố tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.
"Tôi thấy hy vọng le lói khi bà Nancy Pelosi đến đây. Nhưng ngày hôm sau, London Breed lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp", Kevin Chan, chủ tiệm bánh Golden Gate Fortune Cookie, nói trong cay đắng.
Chan dán một hình sticker lên cửa trước tiệm bánh của mình, với nội dung "Fight the virus, NOT the people" (hãy chống virus chứ không phải đối đầu với con người). Khi được hỏi về tình hình kinh doanh thay đổi ra sao từ khi virus nCoV lây lan, anh khoe một video từ tháng 1 quay lại cảnh học sinh và du khách xếp hàng dài dọc con hẻm dẫn đến tiệm bánh. Nhưng vào một ngày trong tuần gần đây, chỉ có vài người ghé qua.
"Ngày đắt hàng, người ta xếp hàng để vào mua bánh, có khi phải đợi đến 10 - 15 phút. Giờ chẳng có ai. Thế là hết. Chúng tôi không có khách", Chan nói. Anh ước tính lượng khách giảm đến 80% tại cửa tiệm của mình từ khi dịch bệnh bùng phát - một tình trạng còn kéo dài.
Những cửa hiệu bán lụa, tượng, đồ sành sứ và quạt... đều phụ thuộc vào dòng khách du lịch đến mua đồ lưu niệm. "Vài hàng áo phông chỉ bán được 7 USD một ngày, có ngày họ không bán được gì. Cửa hàng của tôi, đôi khi chỉ đạt 100 USD. Vào những ngày đẹp trời, cửa hàng có thể thu về 500 - 600 USD, còn cuối tuần đến 800 USD một ngày", Cindy Dent, một nhân viên của cửa hàng T&L T-Shirt, bày tỏ.
Chan phẫn nộ vì tình trạng phân biệt chủng tộc giữa nỗi sợ virus nCoV. "Chúng tôi hoàn toàn bị nhắm vào vì dịch bệnh từ Trung Quốc. Nhưng đó không phải do chúng tôi. Nó ở khắp nơi. Chúng tôi sống tại phố người Hoa ở San Francisco, chứ không đến Trung Quốc. Chúng tôi là người Mỹ gốc Hoa ở đây. Vì sao chúng tôi bị kỳ thị?", anh nói.
Ivy Liu chỉ ra rằng, người dân tại phố người Hoa cũng có gia đình, người già và trẻ nhỏ cần được bảo vệ khỏi virus song người ngoài lại coi họ là những người ốm yếu hoặc không có biện pháp phòng bệnh. "Dĩ nhiên chúng tôi cẩn trọng. Thật không công bằng. Họ coi chúng tôi như virus. Chúng tôi không phải virus. Chúng tôi có thể làm gì đây?", Liu nói.
An An (Theo Guardian)