Theo Cổng thông tin điện tử Hưng Yên, Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương Văn Nghĩa, sinh năm 1845 tại làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Năm 1885, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa ở Yên Thế dưới sự chỉ huy của Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành tướng tài. Khi Đề Nắm mất, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế, nổi tiếng với biệt danh "Hùm xám Yên Thế".
Trong gần 30 năm lãnh đạo, Hoàng Hoa Thám đã tổ chức đánh nhiều trận. Ông có tài dùng binh, thu phục được nhiều tướng giỏi, mưu lược, khiến giặc Pháp lo sợ. Giặc nhiều lần chiêu hàng nhưng không khuất phục được ông.
Biết chưa thể dập tắt được cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Pháp chấp nhận giảng hòa hai lần vào năm 1894 và 1897. Bên ngoài, Hoàng Hoa Thám giả vờ đồng ý nhưng bên trong, ông cho lập đồn điền, xây dựng cơ sở, liên hệ với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, mở rộng địa bàn hoạt động.
Trong hơn 10 năm tiếp theo, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân liên tục chiến đấu, gây tổn thất nặng nề cho Pháp và tay sai. Sau, Pháp huy động lực lượng lớn, dốc sức tấn công. Hoàng Hoa Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa rút lui khỏi Yên Thế. Nghĩa quân bị tổn thất nặng nề.
Khởi nghĩa Yên Thế kết thúc vào năm 1913 và Hoàng Hoa Thám cũng hy sinh năm đó. Tại làng Dị Chế, quê hương của Hoàng Hoa Thám, dòng họ Trương đã đặt bàn thờ ông.
Câu 6: Họa sĩ nổi tiếng nào của Việt Nam quê ở Hưng Yên?