Dưới đây là những dòng chia sẻ của Duncan Forgan, phóng viên CNN, khi anh tìm đến đường Nguyễn Thiện Thuật, để mua một cây đàn guitar.
Mở cửa hàng guitar Duy Ngọc cùng anh em, ông Ánh đã chứng kiến biết bao thăng trầm của con phố qua thời gian, và không phải sự thay đổi nào cũng khiến ông thích thú.
"Những tiêu chuẩn cứ trượt dài. Quá nhiều người làm guitar mà chất lượng không phải lúc nào cũng được đảm bảo", ông Ánh vừa ôm đàn vừa trầm ngâm.
Những cây đàn guitar thủ công tại Duy Ngọc phải mất khoảng một tháng để hoàn thành. Với những cây đàn cao cấp hơn với phần sơn vẽ hay nhiều chi tiết tỉ mỉ, thợ cần tới 4 tháng mới xong. Mức giá dao động 200 - 1.000 USD (4,5 - 22,7 triệu đồng), một cây đàn chất lượng tương đương có giá tới 10.000 USD (hơn 227 triệu đồng) tại các nước phương Tây.
Xưởng của ông Ánh và anh em nhập gỗ từ những cánh rừng châu Âu và Bắc Mỹ để làm đàn. "Gỗ tại Việt Nam hay từ những khu rừng nhiệt đới thường không bền, dễ bị nứt", ông giải thích.
Ông Ánh cũng như nhiều nghệ nhân làm guitar khác trên con phố này rất kỹ tính trong công việc, điều này rất dễ hiểu bởi họ "sống chết" nhờ danh tiếng của chính mình. Họ phải gây dựng tên tuổi từ những ngày đường Nguyễn Thiện Thuật trở thành cái nôi của đàn guitar, sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975 và Sài Gòn được đổi tên thành TP HCM.
Trải qua hàng thập kỷ, những nghệ nhân làm guitar được nhiều thế hệ nhạc sĩ kính trọng và biết ơn. Trong khi đó, thời kỳ mở cửa kéo theo dòng người nước ngoài tới Việt Nam định cư và làm ăn, từ đó những nghệ nhân làm guitar bắt đầu kinh doanh nghiêm túc. Bằng chứng là họ có nhiều khách hàng hơn.
Buôn may, bán đắt
"Họ đến từ khắp mọi nơi, từ Australia, Mỹ và Anh. Mới đây tôi còn có đơn đặt hàng từ Chile. Tại các nước phương Tây, đàn guitar thủ công có giá hàng nghìn USD, ở đây rẻ hơn nhiều mà chất lượng vẫn tốt", ông Ánh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ cửa hàng Guitar Bình trên phố Nguyễn Thiện Thuật, không giấu nổi niềm vui khi tên tuổi của con phố đang vang xa. Ngay khi tôi bước qua cửa, ông chìa ngay ra một bản photo của bài báo đăng trên một tạp chí guitar Mỹ.
"Kinh doanh guitar đang phát đạt, nhờ có báo chí và truyền thông đã đưa tin", ông Bình nói.
Nỗi lo của người làm nghề
Có hơn 30 cửa hàng guitar trên con đường Nguyễn Thiện Thuật chỉ dài chừng 500 m, họ bán mọi thứ từ đàn guitar acoustic thủ công cho tới đàn điện tử, đàn cổ Mandolin hay những nhạc cụ dây truyền thống của Việt Nam.
Nhưng số lượng không đi cùng chất lượng trên phố guitar, đó là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của những người đã dành 40 năm trên con đường này để gây xựng và đánh bóng tên tuổi.
Theo ông Ánh, một số người "đến sau" đang làm đàn từ gỗ chất lượng thấp, quy trình sản xuất công nghiệp nhanh chóng, chỉ để có đàn lên kệ càng sớm càng tốt. Phí thuê cửa hàng cao cũng khiến nhiều người lo lắng.
Ngay cả chiếc guitar tôi (phóng viên Ducan) mua với giá 250 USD cũng không khiến ông Ánh vui hơn.
"Nhìn chung kinh doanh đang tốt, nhưng tiền thuê cửa hàng dần tăng cao và đắt đỏ. Nhiều người đang cắt chỗ này đắp vào chỗ nọ. Chúng tôi từng làm việc và chơi nhạc cùng nhau, giờ càng ngày càng ít - thật đáng hổ thẹn", ông nói.