Câu chuyện của vị lãnh đạo sở này xảy ra hồi đầu tháng 9, khi ông tích cực tham gia cuộc vận động người dân đi xe buýt quy mô nhất ở Sài Gòn.
Không chỉ ông Thanh, nhiều công chức thành phố - những người hưởng ứng đầu tiên chương trình toàn dân đi phương tiện công cộng - cũng gặp phải tình huống "dở khóc, dở cười".
Trong Hội nghị chuyên đề về các giảp pháp phối hợp tham gia thực hiện có hiệu quả và góp ý dự thảo kế hoạch vận động người dân đi xe buýt sáng 25/9, ông Đặng Đức Dũng, cán bộ Mặt trận tổ quốc TP HCM ngán ngẩm nói: "Nhà tôi ở Gò Vấp tới chỗ làm quận 1 khoảng 12 km, nếu đi bằng xe buýt phải mất tới 4 tuyến, dĩ nhiên tốn nhiều thời gian hơn xe máy. Đó chưa phải là vấn đề, từ nhà ra trạm khá xa nên phải đi bằng xe máy, tuy nhiên ở đó lại không có chỗ gửi xe, nhiều khi tôi cũng chẳng biết làm như thế nào".
Ông Dũng cho biết, tính cả đi lẫn về một buổi đi làm bằng xe buýt 8 chuyến là 24.000 đồng, còn dùng xe máy chưa hết nửa lít xăng.
Xe buýt TP HCM còn nhiều chuyện phải làm nếu muốn thu hút người dân. Ảnh: Đức Quang |
Bà Lương Thị Bạch, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc quận 5, cho hay: "Vào những ngày đi xe buýt, đi làm về tôi không thể ghé ngang chợ, việc đón con cũng gặp không ít phiền toái. Ngán nhất vẫn là chuyện kẹt xe luôn diễn ra hằng ngày mà xe buýt thì không thể vào đường hẻm nhỏ".
Nhiều người còn bày tỏ tâm trạng luôn lo sợ trễ họp, kẹt xe... khi đi bằng xe buýt.
Nhiều đại biểu trong Hội nghị cho rằng muốn thu hút được mọi tầng lớp nhân dân "cùng buýt", ngành vận tải công cộng còn nhiều việc cần phải làm.
"Nếu một triệu người dùng xe buýt, số xăng tiết kiệm được khoảng 500 nghìn lít xăng một ngày. Hơn nữa, đi lại 5 ngày trong một tuần làm việc, mỗi tháng cũng tiết kiệm được 120 nghìn đồng, con số này bằng 20% nhu cầu thiết yếu của một người trong tháng", ông Trần Sinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam thuộc Bộ kế hoạch đầu tư, tính toán.
Đấy là con số không nhỏ nên thành phố phải tập trung vận động bằng những hành động mạnh hơn nữa như tuyên truyền ngay từ trong gia đình, miễn phí vé cho tất cả học sinh từ lớp 6 trở xuống..., ông Sinh hiến kế.
Đại biểu Đinh Phong thì cho rằng trước tiên chỉ nên áp dụng với những đối tượng không bị công việc ảnh hưởng như: cán bộ lão thành, người cao tuổi, người tàn tật...
"Phải chuẩn bị đủ các điều kiện, sau đó mới nghĩ tới việc vận động toàn dân, như đợt tuyên truyền công chức đi xe buýt đầu tháng 9 là chưa tốt. Mặt khác, vận động chứ không phải là ép buộc mà phải dùng các biện pháp tổng hợp như đầu tư mạng lưới, chấn chỉnh thái độ tiếp viên, cung cấp tờ rơi đến từng hộ dân...", ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP HCM nhận xét.
Hiện TP HCM có hơn 3.200 xe buýt với 20 nghìn chuyến xe một ngày đáp ứng khoảng 1,2 triệu hành khách mỗi ngày.
Kiên Cường