Chiều 5/6, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (viết tắt: VCPMC) - họp báo về việc thu tác quyền âm nhạc ở quán cà phê.
VCPMC từng bị Cục Bản quyền Tác giả yêu cầu dừng thu tiền tác quyền âm nhạc trên tivi ở khách sạn để nghiên cứu lộ trình thu phí mới chặt chẽ hơn. Riêng về thu phí ở quán cà phê, trung tâm khẳng định vẫn tiếp tục.
Dù vậy, việc làm này gặp phản đối từ một số chủ quán bởi nhiều người hoài nghi tính minh bạch trong thu chi. Ông Đức - chủ quán cà phê Da Vàng ở quận Hải Châu, Đà Nẵng - mới nhận được thông báo nộp tiền tác quyền cho những bài hát mở tại quán. Ông bị yêu cầu thu 70.000 đồng mỗi ghế, mỗi năm. Chủ quán cho rằng VCPMC nên cho các cơ sở kinh doanh đăng ký những bài họ thường xuyên phát cũng như nắm biểu giá mỗi tác phẩm. "Thực tế có nhiều bản nhạc suốt năm chúng tôi không phát, giờ bị thu tiền và lại thu theo số ghế của quán là không hợp lý”, ông Đức nói.
Họa sĩ Vũ Huy - chủ một quán cà phê ở Hà Nội - bức xúc khi đại diện của VCPMC gửi yêu cầu thu tiền khi không đưa ra giấy tờ chứng minh họ được các tác giả ủy quyền. Theo chủ quán, ông chỉ sử dụng nhạc Pháp từ những năm 1930 - 1940 để phát cho nhân viên nghe.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết hiện VCPMC đại diện cho gần 4.000 tác giả trong nước và khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới nhờ ký hợp đồng hợp tác song phương. Vì vậy, mỗi lần đi thương lượng, trung tâm không thể đưa hợp đồng của từng người ra cho các đơn vị kinh doanh. Giám đốc nói chỉ sau khi ký hợp đồng với VCPMC, nếu đơn vị kinh doanh chứng minh trung tâm "nhận vơ" tác phẩm không thuộc ủy quyền, bắt nộp tiền sai, họ có thể yêu cầu sửa lỗi.
Giám đốc VPCMC cho biết việc thu phí được thực hiện dựa trên quy định về quyền tài sản ở khoản hai, điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ và điều 23, Nghị định 100/CP (xem).
Theo ông, trung tâm sẽ yêu cầu đối tác cung cấp danh sách ca khúc thường sử dụng, từ đó xác định xem ca khúc nào thuộc quyền quản lý rồi mới tiến hành thu phí. VCPMC khẳng định các khoản thu chi được công khai trên website của trung tâm. Họ chỉ giữ khoảng 20% số tiền thu được để lo phí hành chính. Toàn bộ số tiền còn lại được phân phối cho tác giả.
Trung tâm hiện có 15 mức thu phí quán cà phê tương ứng với từng quy mô và khu vực (thành phố, tỉnh thành, ngoại ô, nông thôn...). Ví dụ, ở thành phố lớn, các quán cà phê, giải khát có từ một đến 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng mỗi năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống (hát với nhau) sẽ phải trả 4,5 triệu đồng mỗi năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng chỗ ngồi mỗi năm.
Trước đó, chủ quán cà phê Da Vàng kiến nghị VCPMC nên thương lượng với người dân để quy định mức phí phù hợp hơn. Ví dụ, từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng với quán lớn, 500.000 đồng với quán nhỏ.
"Với nhạc nền phát ở quán, tại Singapore, các quán cà phê từ trong khoảng 40 ghế phải nộp tối thiểu 230 SGD mỗi năm (khoảng 3,78 triệu đồng) còn ở Australia là 282,2 AUD mỗi năm (khoảng 4,8 triệu đồng). Với Malaysia, các quán có dưới 50 chỗ phải nộp 1117 MYR mỗi năm (khoảng sáu triệu đồng), nếu thêm từ một đến 50 ghế, mỗi ghế phải nộp thêm phí khoảng 100.000 đồng", ông Phó Đức Phương dẫn chứng.