Phó Đô đốc Philip Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, hôm nay cho biết Washington đã cam kết với Hà Nội, về việc xem xét đưa tàu sân bay đến Việt Nam, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump tháng 11 năm ngoái. Và Mỹ đã hiện thực hóa điều đó. Hạm đội 7 là đơn vị quản lý nhóm tác chiến tàu sân bay số 1, trong đó có tàu Carl Vinson
"Chúng tôi cam kết và thực hiện lời hứa. Tôi nghĩ nó rất quan trọng vì giúp xây dựng, tăng cường niềm tin mà Mỹ cần để thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam", ông Sawyer trả lời câu hỏi của VnExpress trong cuộc họp qua điện thoại với một nhóm phóng viên các nước về ý nghĩa chuyến thăm tàu sân bay Carl Vinson đến Đà Nẵng.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, cùng tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và 6.000 thủy thủ đã vào vùng biển Việt Nam hôm qua, bắt đầu chuyến thăm kéo dài đến ngày 9/3. Đây được coi là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.
Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson đến Việt Nam thể hiện rằng Washington ủng hộ một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng. Hai bên đang tăng cường mối quan hệ dựa trên cơ sở niềm tin và hiểu biết lẫn nhau.
"Hợp tác quốc phòng của hai nước giúp tăng cường lợi ích an ninh chung mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông, sự đề cao luật pháp quốc tế và sự công nhận chủ quyền quốc gia", bà Tarnowka nói.
Trước câu hỏi về hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông, Phó Đô đốc Sawyer đánh giá hoạt động cải tạo ở khu vực và hoạt động quân sự hóa gây nên lo ngại ở khu vực, chủ yếu do sự thiếu minh bạch, khi các nước không rõ "điều gì đang xảy ra". Điều đó tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến an ninh và ổn định của khu vực.
"Sự lo lắng và thiếu minh bạch trên biển là mối quan ngại ở khắp khu vực", ông Sawyer nói.
Giải thích rõ hơn hoạt động của tàu sân bay Carl Vinson ở Việt Nan, Chuẩn Đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tàu sân bay tác chiến, cho biết hoạt động ở tây Thái Bình Dương thể hiện Washington hoạt động theo luật quốc tế, nhiệm vụ mà Hải quân Mỹ đã thực hiện hơn 70 năm qua. Nhóm tàu sân bay tác chiến bao gồm tổng cộng 6.000 người, một tàu sân bay, một đường băng, một tàu tuần dương và hai tàu khu trục.
"Mỹ tái khẳng định cam kết với các đồng minh và đối tác ở khu vực rằng Washington ở đây và ủng hộ luật pháp và các quy tắc quốc tế. Mỹ bảo đảm tự do thương mại và giúp tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực", ông Fuller nói.
Nói đến kế hoạch hợp tác trong tương lai với Việt Nam, Tư lệnh Mỹ cho hay ông sẽ thảo luận chặt chẽ với Hải quân Việt Nam và trông đợi trao đổi thêm về các lựa chọn hai bên có thể thực hiện. Hải quân Mỹ và Việt Nam đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ.
"Có rất nhiều ý tưởng trong đầu tôi về thảo luận với lãnh đạo Hải quân Việt Nam. Tôi muốn chắc chắn rằng tôi hiểu điều gì mang lại lợi ích cho phía bạn và điều gì có thể thực hiện. Sau đó chúng tôi mới xúc tiến kế hoạch", ông Sawyer nói.
Phó đô đốc Mỹ nhắc lại việc ông mong tàu ngầm Mỹ có thể thăm Việt Nam trong cuộc họp báo hôm qua ở Đà Nẵng.
Việt Anh