Chiều 18/12, Đức Anh, 23 tuổi, từ huyện Thạch Thất cùng ba người bạn đi gần 40 km đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở quận Tây Hồ với dự định tham quan và vui chơi cuối tuần. Nhưng khung cảnh ở đây khiến nhóm bạn trẻ ngỡ ngàng. Dù đang là cuối tuần cả con phố chỉ có 6 hàng quán hoạt động. "Con đường dài 900 m với chưa đến 20 người, đa phần là người dân đi thể dục", Đức Anh nói.
Thái Bảo, cùng nhóm Đức Anh, kỳ vọng con phố mang tính nghệ thuật hơn vì mang tên cố nhạc sĩ họ Trịnh, nhưng không khí ở đây giống công viên cho người dân vãng cảnh, tập thể thao hơn trung tâm vui chơi, giải trí. "Cảnh quan nơi đây đẹp không kém phố đi bộ ở Hồ Gươm, thậm chí còn rộng rãi, thoáng đãng hơn, nhưng lại ít hoạt động để thu hút khách. Tôi đến đây để biết nhưng có lẽ không quay lại lần hai", Bảo chia sẻ.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - không gian nằm giữa đầm sen, Công viên nước Hồ Tây, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) hoạt động từ hơn bốn năm trước, được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... vào mỗi cuối tuần. Theo thống kê của quận Tây Hồ, sau một tháng khai mạc phố đi bộ Trịnh Công Sơn thu hút trung bình 6.000 khách mỗi cuối tuần. Nhưng sau ba tháng, số người đến vui chơi giảm mạnh do ít hoạt động, nhiều chủ cửa hàng buộc phải nhượng địa điểm. Tình trạng này gia tăng sau hai năm tạm đóng cửa vì dịch.

Khu vực bãi để xe vào phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhưng đa phần người dân gửi xe vào công viên nước hoặc các hàng quán lân cận, chiều 18/12. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Bốn năm trước, khi biết tin Hà Nội sắp mở tuyến phố đi bộ gần nhà, bà Hồng Ngát, 65 tuổi, sống tại đường Trịnh Công Sơn, hy vọng dự án mới sẽ giúp khu phố trở nên sầm uất và quán nước của gia đình đắt khách.
Bà kể, mấy tháng đầu con phố ẩm thực dài hơn trăm mét có hàng chục hàng ăn, quán nước, tiệm bán quần áo, đồ lưu niệm xếp sát nhau, chật cứng hai bên đường. Khu vực quảng trường dựng sân khấu thường xuyên tổ chức các đêm nhạc giao lưu, hội chợ, ước tính cả nghìn người đến dự.
"Nhưng mọi thứ chỉ còn là quá khứ. Như chiều nay (18/12), trời sắp tối mà có vài người dọn hàng ra bán, không biết cầm cự đến bao giờ", bà Ngát thở dài.
Bà Ngát và nhiều người nhận định, khu phố đi bộ này vắng khách do thiếu hoạt động vui chơi, lại xa trung tâm, không gắn liền với các di tích lịch sử nổi tiếng dù cảnh quan đẹp, chính quyền thường xuyên sửa chữa, tu sửa, đổi mới diện mạo.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn vắng người đến tham quan dù chiều chủ nhật 18/12. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Bên cạnh đó, việc duy trì tuyến phố đi bộ cũng gây bất cập với người dân. Hoàng Anh, 26 tuổi, ở phường Nhật Tân cho biết ngày thường sẽ đi qua phố đi bộ để tránh đoạn tắc trên đường Nhật Chiêu lúc tan tầm, để về nhà. Nhưng hai ngày cuối tuần cấm phố, cô phải đi đường vòng, mất thêm hàng chục phút di chuyển.
Ánh cho rằng nếu tuyến phố khai thác hiệu quả, việc mất thời gian di chuyển là bình thường. "Nhưng nơi chen chúc tìm lối đi, chỗ vắng bóng người. Sao không bỏ hẳn phố đi bộ, để phương tiện lưu thông và hướng dẫn lượng khách tham quan ít ỏi đi trên vỉa hè?", cô thắc mắc.
Nhưng ông Nguyễn Hữu Công, 75 tuổi, sống trên phố Trịnh Công Sơn cho rằng việc duy trì tuyến phố này là cần thiết, giúp người dân có không gian đi lại, trẻ nhỏ được tự do vui chơi dưới lòng đường.
"Không khí ở đây cũng rất trong lành, phù hợp với những người muốn tránh sự ồn ào. Còn nếu muốn khai thác triệt để không gian văn hóa, âm nhạc, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần có chính sách phù hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, kích cầu", ông Công bày tỏ.

Dịch vụ cho thuê xe điện mini chỉ có 1-2 khách cho con đến chơi chiều cuối tuần. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đình Khuyến, chủ tịch quận Tây Hồ, cho biết phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở cửa lại từ tháng 5 sau thời gian tạm ngừng vì dịch bệnh. "Từ đó đến nay, lượng khách đến phố vào ban ngày gần như không có, chiều tối gia tăng nhưng không đáng kể, nên quận có chủ trương để hoạt động hết năm nay rồi tạm dừng để tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục", ông Khuyến nói.
Theo chủ tịch quận, trong thời gian tới khi mở lại trở lại (dự kiến vào tháng 5/2023), quận sẽ nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động cộng đồng, sân chơi cho thanh thiếu niên nhằm thu hút khách, bởi tiềm năng của công trình này rất lớn.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, cho biết xây dựng và phát triển phố đi bộ là xu hướng tất yếu, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân cao hơn, góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế đô thị. Như tại Hà Nội, một số tuyến phố đã đạt được những kết quả nhất định, trở thành không gian văn hóa lành mạnh cho người dân vui chơi, giải trí dịp cuối tuần.
Trước thực trạng phố đi bộ Trịnh Công Sơn vắng khách, ông Nghiêm chỉ ra 4 điểm tồn đọng cốt lõi. Một là, mỗi tuyến phố đi bộ cần có chủ đề nhất định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, điều này phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa làm được. Hai là tuyến phố có vị thế hợp lý, không gian đẹp nhưng chưa tạo ra các dịch vụ thương mại phục vụ nhân dân; ba là chưa đảm bảo đồng bộ việc đi chơi thư giãn của người dân với các nhu cầu văn hóa khác và cuối cùng là dù có bản vẽ, quy hoạch cụ thể nhưng chưa có nguồn nhân lực để cải tạo nhà ở quanh phố đi bộ thành các dịch vụ phát triển kinh tế.
"Nếu khắc phục được nhưng điểm trên, tình trạng nơi đông, chỗ vắng tại các tuyến phố đi bộ sẽ được cải thiện. Còn không, việc người dân lãng quên một tuyến phố rất dễ xảy ra", ông Nghiêm nói.
Quỳnh Nguyễn