Ngày 11/5, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết thượng tá Hải bị đình chỉ cùng đợt với đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ. Một số cán bộ khác của Công an quận Tây Hồ, trong đó có người của đội cảnh sát hình sự, cũng bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
"Nhóm cán bộ này liên quan trách nhiệm khi xử lý vụ án Cướp tài sản trong năm 2016 và một vụ án khác", vị lãnh đạo nói.
Cùng ngày, đại diện Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho hay đã tiếp nhận hồ sơ và đang điều tra sự việc.
Động thái này của các cơ quan tố tụng diễn ra sau hơn 10 ngày vụ án Cướp tài sản bị xét xử tại TAND Hà Nội và HĐXX nhận định "có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp".
Vụ án Cướp tài sản xảy ra từ năm 2016 khi nhóm người của chủ nợ truy đuổi, khống chế người vay tiền để đòi 4 triệu đồng, nhưng một số cán bộ Công an quận Tây Hồ không xử lý các nghi phạm mà cho hoà giải với nạn nhân.
Đầu tháng 1, gần 5 năm sau, nhóm nghi phạm ra Công an Hà Nội đầu thú. Tại phiên toà mở ngày 29/4 vợ của một bị cáo, với tư cách nhân chứng, khai đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ "chạy án" cho chồng được tại ngoại ngay trong đêm bị tạm giữ hình sự, 22/9/2016.
Theo điều 20 Luật tổ chức VKSND năm 2014, điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và điều 30 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015: Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.