Nằm bên bờ bắc hạ lưu sông Thu Bồn, giáp biển Cửa Đại, TP Hội An rộng 60 km2, trong đó đất liền 44 km2, còn lại là đảo Cù Lao Chàm. Khu phố cổ nằm ở phường Minh An, rộng khoảng 2 km2.
Trong chiến tranh, phố cổ Hội An gần như không bị tác động vì không có căn cứ quân sự lớn, sân bay hay các cơ sở công nghiệp trọng yếu. Hơn nữa, Hội An là đô thị cổ, thương cảng quốc tế sôi động bậc nhất Đông Nam Á từ thế kỷ 16 đến 19 nên các bên đều hạn chế gây tổn hại.
Đất nước thống nhất, cả nước tập trung vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều phong trào được phát động, trong đó có cuộc vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục. Chính quyền Hội An đẩy mạnh phong trào đập cũ xây mới để "đàng hoàng, to đẹp hơn". Đền, chùa, miếu, am thờ được xem là tàn dư của chế độ cũ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Một góc phố cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Đắc Thành
Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhớ lại khi đó Cục Văn hóa quần chúng chủ trì lớp tập huấn cho cán bộ 9 tỉnh miền Trung. Tham gia lớp học, ông Minh tiếp thu nhiều bài giảng thiết thực về xây dựng cuộc sống mới, song có nhiều bài giảng dẫn đến phong trào triệt hạ công trình, kiến trúc. "Những di tích thờ cúng người không rõ lai lịch được coi là sai lầm, mê tín dị đoan, cần cải tạo lại", ông kể.
Tại Hội An, chính quyền đẩy mạnh loại trừ văn hóa chế độ cũ. Cán bộ gõ cửa từng nhà thu văn bằng, chứng chỉ, sách báo xuất bản trước giải phóng. Tất cả được đưa lên xe bò kéo về chất đống đốt để "loại trừ văn hóa đồi trụy, phản động, đẩy lùi các tệ nạn mê tín dị đoan".
Hết phong trào thu gom sách báo, tài liệu ở nhà dân, chính quyền tính toán phá các hội quán ở phố cổ Hội An. Nơi đây tập trung 1.100 di tích kiến trúc, gồm nhà ở, cầu, giếng, chợ, công trình tín ngưỡng đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc... Rất nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ cúng "những người không rõ lai lịch".
Một chiều năm 1976, trước trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hội An, hàng trăm người mang búa tạ, xà beng, cuốc ra quân bài trừ mê tín dị đoan. Họ chuẩn bị đến phá hủy đình, chùa, miếu như Khổng Miếu, Phúc Kiến, Ông Bổn...
Đang làm việc ở Đà Nẵng, biết được thông tin, ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng vội đến ngay Hội An. Khi người dân đang phá cổng tam quan Khổng Miếu, ông ngăn cản: "Các đồng chí không được phá. Đây là những công trình do công sức, tiền của người dân bỏ ra xây dựng, phải giữ lại cho con cháu sau này. Người dân nhiều nước phá rồi không xây lại được".
"Thời đó có cái hay là trên bảo dưới phải nghe ngay. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, ai chống đối bị bắt nên mọi người không dám phá", ông Minh nhớ lại.

Ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, việc đòi phá chùa, miếu ở Hội An vẫn chưa dừng lại. Năm 1981, ông Minh được ông Võ Hiên, Bí thư thị xã Hội An, gọi sang phòng gặp riêng nói chuyện, rồi đưa lá đơn kiến nghị của hơn 30 lão thành cách mạng.
Trong đơn, các cán bộ lão thành yêu cầu phá chùa Ông Bổn (Hội quán Triều Châu của người Hoa) vì thờ tượng và bài vị ghi rõ tên Mã Viện, kẻ đánh bại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Mã Viện có tội với dân tộc nên không thể được thờ ở Hội An. Ngoài ra năm 1979, Trung Quốc xâm phạm biên giới Việt Nam nên các lão thành càng muốn đập bỏ chùa Ông Bổn.
Ông Hiên hỏi ý kiến Phòng Văn hóa Thông tin thế nào? Ông Minh đáp chùa Ông Bổn "thờ ai cũng vậy, do mình mà thôi". Công trình do người dân xây dựng rất đẹp, cần giữ lại, nếu chưa dùng đến thì giao cho tập thể bảo quản, tận dụng mặt bằng.
Thị ủy Hội An đã gửi công văn cho Bí thư Hồ Nghinh và ông lại tới khuyên bà con. "Đình, chùa là chốn tâm linh, nhân dân tự tay xây dựng để chiêm bái hàng năm. Chùa Ông Bổn không chỉ thờ Mã Viện mà còn thờ các phúc thần khác. Bà con chỉ cần cất bài vị Mã Viện đi thôi", ông khuyên nhủ.
Sau đó các lão thành và người dân không còn quyết tâm phá chùa Ông Bổn cũng như các di tích tín ngưỡng khác ở Hội An. Phường xin cho hai hợp tác xã mượn chùa Ông Bổn làm nơi sản xuất chổi đót xuất khẩu và dệt len.

Chùa Ông Bổn (Hội quán Triều Châu) nằm trên đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Cẩm Châu. Ảnh: Đắc Thành
Ông Minh kể thời đó cứ thứ hai, cán bộ văn hóa xã, phường đến Phòng Văn hóa Thông tin giao ban. Họ ghi chép rồi về phổ biến lại với cán bộ xã, phường. Họ cũng chính là tai mắt cho Phòng Văn hóa, nghe dự kiến ngày mai đập phá nơi nào thì báo cáo Phòng chỉ đạo dừng. "May mắn là quá trình làm rất quyết liệt nên nhiều di tích không bị phá", ông nhớ lại.
Ghi nhận công lao của ông Hồ Nghinh trong việc giữ lại các di tích ở Hội An, sách "Hồ Nghinh - Một đời vì nước, vì dân", NXB Đà Nẵng năm 2017, viết: "Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nếu không có ông Hồ Nghinh thì phố cổ Hội An đã bị phá tan, vì cán bộ địa phương quá tả trong việc đập miếu, phá đình. Họ cho là bài trừ văn hóa phong kiến, văn hóa Trung Quốc".
Năm 1985, khi thăm phố cổ Hội An, nhà văn Nguyễn Tuân đánh giá cao việc bảo tồn nguyên vẹn của đô thị này: "Quê hương chúng ta đổ vỡ nhiều quá, nhỏ như cái chén cái bát giữ lại được đã là quý, huống hồ đây là một thành phố còn nguyên vẹn".
Nhờ ông Hồ Nghinh cũng như nhiều thế hệ cán bộ, người dân gìn giữ, năm 1999 đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đắc Thành